Theo báo Lao Động, rượu nằm ở vị trí đầu bảng trong danh sách các loại đồ uống nguy hiểm cho gan. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lạm dụng rượu là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan ở quy mô toàn cầu, đặc biệt phổ biến ở nam giới độ tuổi từ 30 - 60. Rượu khi được hấp thụ vào cơ thể sẽ được chuyển hóa qua gan, sản sinh ra acetaldehyde - một chất độc có thể gây viêm và phá hủy tế bào gan.
Giáo sư Roger Williams, một chuyên gia gan học người Anh, từng cảnh báo trong báo cáo của Viện Nghiên cứu Gan London: “Không có mức tiêu thụ rượu nào là hoàn toàn an toàn cho gan. Thậm chí, với liều lượng vừa phải, việc uống rượu thường xuyên sẽ dần làm suy giảm chức năng gan, gây ra viêm gan mạn và dẫn đến xơ gan”.
Nước ngọt có ga thường chứa hàm lượng đường fructose rất cao. Fructose là một loại đường đơn, khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa chủ yếu ở gan. Tuy nhiên, khác với glucose, fructose không được cơ thể sử dụng ngay để tạo năng lượng mà lại được chuyển hóa thành chất béo triglycerides. Lượng chất béo này tích tụ dần trong gan, lâu ngày dẫn đến gan nhiễm mỡ, thậm chí là viêm gan, xơ gan.
Bên cạnh đường fructose, nước ngọt có ga còn chứa một lượng lớn các chất phụ gia, chất tạo màu, hương liệu nhân tạo. Những chất này không chỉ không mang lại giá trị dinh dưỡng mà còn có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe như gây tổn thương tế bào gan, gây rối loạn chức năng gan, tăng nguy cơ mắc ung thư gan.
Nước ép trái cây thường được xem là một lựa chọn lành mạnh, cung cấp vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với nước ép trái cây tươi, được ép trực tiếp từ trái cây và tiêu thụ ngay lập tức. Nước ép trái cây đóng chai, mặc dù tiện lợi và có thời hạn sử dụng lâu dài, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe, đặc biệt là gan.
Vấn đề chính nằm ở chỗ, để tăng hương vị và kéo dài thời hạn sử dụng, các nhà sản xuất thường bổ sung một lượng lớn đường và chất bảo quản vào nước ép đóng chai. Uống quá nhiều nước ép trái cây đóng hộp có thể gây tăng cân, tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ và các bệnh lý khác.
Một ly trà sữa tưởng chừng vô hại nhưng thực chất lại chứa lượng đường và chất béo đáng báo động. Trung bình, một ly trà sữa cỡ vừa có thể chứa tới 50-70g đường, vượt xa mức khuyến nghị hàng ngày của WHO (khoảng 25g). Lượng đường này chủ yếu đến từ đường tinh luyện, siro fructose, và các loại topping ngọt như trân châu, thạch, pudding...
Bên cạnh đó, trà sữa còn chứa hàm lượng chất béo cao, đến từ sữa béo, bột kem, và các loại topping béo như phô mai, kem cheese... Việc tiêu thụ quá nhiều đường và chất béo trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Uống trà sữa thường xuyên có thể gây tăng cân, tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ, tiểu đường và các bệnh lý tim mạch, theo VOV.