Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lộ lịch trình Hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ

(DS&PL) -

Cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ sẽ bắt đầu từ 1h15 chiều ngày 16/7 theo giờ địa phương tại thủ đô Helsinki của Phần Lan.

Cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ sẽ bắt đầu từ 1h15 chiều ngày 16/7 theo giờ địa phương tại thủ đô Helsinki của Phần Lan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Reuters

Theo Sputnik, thông tin được lấy từ ứng dụng điện thoại HELSINKI2018 dành riêng cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin.

Theo tiết lộ từ ứng dụng điện thoại này, cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ sẽ bắt đầu từ 1h15 chiều ngày 16/7 theo giờ địa phương tại thủ đô Helsinki của Phần Lan. Cuộc họp dự kiến kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ trong đó bao gồm cả một cuộc họp báo về kết quả thượng đỉnh.

Sau cuộc họp với ông Trump, ông Putin dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto bắt đầu lúc 4h30 chiều cùng ngày.

Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận các vấn đề về quan hệ song phương cũng như các vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm.

Trước đó, hai nhà lãnh đạo từng gặp nhau hai lần bên lề các hội nghị quốc tế và có ít nhất 8 cuộc điện đàm. Lần gần nhất hai ông gặp nhau khi cùng dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng tháng 11/2017.

Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử này mới là lần đầu tiên hai bên chính thức gặp nhau kể từ khi ông Trump nhậm chức cách đây một năm rưỡi và cũng là lần đầu tiên nguyên thủ hai nước hội kiến chính thức kể từ năm 2009.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh khi chính quyền Tổng thống Trump áp đặt trừng phạt một loạt cá nhân và tổ chức của Nga với cáo buộc Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, song song với các đòn trả đũa ngoại giao qua lại như trục xuất hàng trăm nhân viên ngoại giao của nhau, đóng cửa nhiều cơ sở ngoại giao ở mỗi nước theo kiểu "ăn miếng, trả miếng".

Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin gặp nhau năm 2017 - Ảnh: Reuters

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 13/7 ra thông cáo cáo buộc 12 nhân viên tình báo Nga bị buộc tội âm mưu can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 thông qua việc xâm nhập hệ thống thư điện tử và mạng máy tính của đảng Dân chủ. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, 12 người bị buộc tội là thành viên của GRU - cơ quan tình báo liên bang Nga và thuộc hệ thống tình báo quân sự của Nga.

Ngay sau thông cáo này của Bộ Tư pháp, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain ra thông cáo nhấn mạnh, Tổng thống Trump "cần sẵn sàng đối đầu cứng rắn với ông Putin và thể hiện rằng Nga sẽ phải trả giá đắt".

"Nếu Tổng thống Trump không sẵn sàng buộc ông Putin làm rõ vấn đề, hội nghị ở Helsinki, Phần Lan không nên diễn ra", ông McCain nói.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner, một quan chức thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, cũng cho rằng ông Trump nên hủy cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga. Các nghị sĩ Dân chủ khác trong Quốc hội Mỹ cũng đưa ra những bình luận tương tự.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ liên quan tới 12 nhân viên tình báo của Nga.

“Thật đáng tiếc khi việc lan truyền các thông tin sai lệch đã trở thành thông lệ ở Washington và những cáo buộc được đưa ra dựa trên những động cơ chính trị rõ ràng. Câu hỏi đặt ra là họ sẽ tiếp tục diễn màn hài kịch đáng xấu hổ này đến bao giờ”, Bộ Ngoại giao Nga phản bác.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết những người bị Mỹ buộc tội chỉ là các nhân viên tình báo, chứ không phải là các tin tặc. Moscow cũng khẳng định cáo buộc cho rằng 12 người này xâm nhập bất hợp pháp vào các máy tính của đảng Dân chủ Mỹ không được đưa ra dựa trên bất kỳ bằng chứng xác thực nào.

Ông Donald Trump phát biểu trong buổi tranh luận của các ứng viên Đảng Cộng hòa trên kênh truyền hình Fox News năm 2016. - Ảnh: AP

Phản hồi về việc này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin sẽ vẫn diễn ra ở Helsinki vào ngày 16/7 tới theo kế hoạch và Nhà Trắng cũng không có ý định hủy nó.

Khi được hỏi liệu ông biết gì về Tổng thống Putin, ông Trump hôm qua nói: "Tôi không thể nói với quý vị được... Nhìn xem, nếu chúng ta có quan hệ tốt với Nga thì đó sẽ là điều tốt. Tôi không biết rõ về ông ấy. Tôi đã gặp ông ấy vài lần và tôi tin chúng tôi sẽ có quan hệ tốt". Tổng thống Trump nhấn mạnh, còn quá sớm để nói nếu ông và người đồng cấp Nga là bạn bè hay kẻ thù.

Có thể nói khi tình hình phức tạp như hiện nay, việc lãnh đạo Nga-Mỹ có thể ngồi lại với nhau là tiến bộ lớn nhất mà Moskva và Washington đạt được. Trên thực tế, cả Nga và Mỹ đều phủ nhận những kỳ vọng quá lớn về hội nghị, nhấn mạnh chỉ riêng việc nguyên thủ hai nước có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên đã là một thành quả đáng kể.

Trong bối cảnh đó, cuộc gặp giữa ông chủ Nhà Trắng và người đứng đầu Điện Kremlin sẽ được dùng làm “bàn đạp” giúp quan hệ song phương "tan băng", tạo cơ hội để hai cường quốc thiết lập lại các mối quan hệ và phát triển hợp tác trong nhiều vấn đề quan trọng. Trước mắt, việc quan hệ Nga-Mỹ được cải thiện sẽ có lợi cho hòa bình, ổn định tại khu vực và thế giới.

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Tin nổi bật