Hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ sắp diễn ra tại Phần Lan và câu hỏi được quan tâm nhiều nhất là liệu ông Trump và ông Putin sẽ đạt được những thỏa thuận gì.
Phóng viên Yasmeen Serhan của The Atlantic đã chỉ ra rằng, ông Trump có thể sẽ đồng ý hủy bỏ các cuộc tập quân sự Mỹ-NATO tại khu vực giáp biên giới Nga, giảm số lượng lính Mỹ đóng quân tại Đức hoặc hợp pháp hoá việc Nga sáp nhập Crimea.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, với tình trạng quan hệ Mỹ-Nga ở hiện tại – có thể nói là căng thẳng nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, ông Trump có thể quay lại với chính sách mà mọi Tổng thống Mỹ từ ông Nixon cho đến ông Obama đã dùng để đối phó với Nga: tập trung vào việc đưa ra các thỏa thuận làm giảm số lượng vũ khí hạt nhân ở cả 2 quốc gia.
Thế giới quan tâm nội dung đàm phán của 2 nhà lãnh đạo Nga, Mỹ trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Ảnh: Getty |
Rõ ràng, vũ khí hạt nhân là một mối đe dọa tồn tại đối với cả nước Mỹ và toàn thế giới. Trên thực tế, ông Putin đã lên kế hoạch thỏa thuận trong lĩnh vực này bằng cách đề nghị mở rộng Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START), được đàm phán bởi cựu Tổng thống Barack Obama.
START mới được ký vào tháng 4/2010, có hiệu lực từ tháng 2/2011 và sẽ hết hạn vào năm 2021. Nó thay thế Hiệp ước Moscow do chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush đàm phán và START I, được thương lượng bởi chính quyền của cựu Tổng thống Bush (cha).
Đã 7 năm trôi qua kể từ khi START mới có hiệu lực, hiệp ước này đã hạn chế cả Mỹ và Nga, không cho phép họ sở hữu hơn 1.550 đầu đạn chiến lược, không quá 700 tên lửa cùng máy bay ném bom và không quá 800 tên lửa phóng cũng như máy bay chiến lược được triển khai và không triển khai .
Vào ngày 9/2/2017, trong cuộc điện đàm đầu tiên với ông Trump, ông Putin đã hỏi về việc mở rộng hiệp ước START mới trong 5 năm, tức là từ 2021 - 2026. Thật không may, ông Trump đã từ chối ủng hộ đề nghị này, đưa ra tuyên bố “sai lầm” rằng thực chất START mới tạo ra những điều kiện thuận lợi cho Nga và, giống như thỏa thuận hạt nhân với Iran, START mới chỉ là một trong những giao dịch xấu được chính quyền cựu Tổng thống Obama đàm phán.
Chuyên gia cho rằng ông Trump nên tập trung vào các thỏa thuận hạn chế vũ khí hạt nhân. Ảnh: National Interest |
Các chuyên gia cho rằng, Tổng thống Trump phải nhận ra rằng START mới, giống như tất cả các thỏa thuận vũ khí hạt nhân trước đây đã được những người tiền nhiệm ông đàm phán đều tốt cho Mỹ và thế giới. Mặc dù các hiệp ước đã được một vị chủ tịch Đảng Dân chủ đàm phán, nhưng nó vẫn nhận được hỗ trợ bởi một loạt các nghị sĩ Đảng Cộng hòa, bao gồm cựu Tổng thống George H. W. Bush khi được trình lên Thượng viện Mỹ để phê chuẩn.
Điều khoản của thỏa thuận START mới đã buộc Nga phải giảm đáng kể kho vũ khí chiến lược. Moscow đã giảm 35% số lượng tên lửa và máy bay ném bom từ 809 xuống 527 chiếc và 65% số lượng đầu đạn, từ 3.897 xuống 1.444. Hơn nữa, bằng cách mở rộng START mới, Mỹ sẽ không chỉ tăng cường khả năng chiến lược mà còn không cần tăng chi phí hiện đại hóa các vũ khí hạt nhân hiện có, ước tính tốn kém ít nhất là 1,7 nghìn tỷ USD.
Việc mở rộng START mới không chỉ giúp tăng cường an ninh của Mỹ mà còn “đưa cho ông Putin thứ mà ông ấy muốn”. Bên cạnh đó, ông Trump cũng có thể sử dụng đòn bẩy có được để yêu cầu Nga xử lý vi phạm Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung của Nga (INF).
Hiệp ước này, được đàm phán bởi Tổng thống Ronald Reagan và Tổng thư ký Mikhail Gorbachev từ năm 1987, buộc cả 2 bên không sở hữu, sản xuất hoặc bay thử nghiệm tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình trên mặt đất với phạm vi từ 500 đến 5.500 km, sở hữu hoặc sản xuất các bệ phóng cho những tên lửa đó.
Sau khi tuân thủ các điều khoản của hiệp ước trong 20 năm, đến những năm gần đây, người Nga đã tiến hành bay thử nghiệm, triển khai tên lửa chiến lược bị cấm khởi động. Mỹ đã phản ứng bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 2 công ty Nga tham gia vào việc phát triển các hệ thống GLCM.
Việc mở rộng START mới và khôi phục INF sẽ làm cho Hội nghị thượng đỉnh Helsinki có ý nghĩa quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh Helsinki năm 1975, giúp chấm dứt Chiến tranh Lạnh.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo National Interest)