Trong thư gửi Liên Hợp Quốc ngày 26/5, Trung tâm Thảm họa quốc gia Papua New Guinea cho biết, số người bị chôn vùi trong vụ lở đất ở Kaokalam, tỉnh Enga của nước này là hơn 2.000 người. "Vụ lở đất đã chôn sống hơn 2.000 người, tàn phá nghiêm trọng các tòa nhà, vườn cây lương thực và gây tác động lớn đến huyết mạch kinh tế của đất nước", bức thư viết.
Cơ quan này cho biết thêm, cơ hội tìm thấy người sống sót rất thấp vì địa hình nguy hiểm nguy hiểm và khó khăn trong việc chuyển viện trợ đến nơi bị ảnh hưởng.
Người dân địa phương tìm kiếm các nạn nhân bị chôn vùi. Ảnh: Tổ chức Di cư Quốc tế
Trung tâm Thảm họa quốc gia Papua New Guinea nói rằng: "Tình hình vẫn không ổn định khi lở đất tiếp tục diễn biến chậm, gây nguy hiểm liên tục cho cả đội cứu hộ cũng như những người sống sót".
Số người bị chôn vùi tăng vọt so với ước tính trước đó. Ban đầu, số người thiệt mạng vì lở đất được cho là 670.
Các đội cứu hộ khẩn cấp do nhân viên quốc phòng Papua New Guinea dẫn đầu, đã có mặt ở phía Bắc đất nước nhưng các thiết bị hạng nặng cần thiết cho việc giải cứu vẫn chưa đến được ngôi làng hẻo lánh vì con đường chính vẫn bị cắt đứt và cách duy nhất để tới đó là trực thăng.
Trước đó, rạng sáng 24/5, đất đá sạt lở từ núi Enga bất ngờ ập xuống làng Kaokalam thuộc tỉnh Enga, cách thủ đô Port Moresby khoảng 600 km, trong lúc các gia đình đang say ngủ. Hơn 1.000 dân thường trong khu vực lân cận đã được sơ tán khỏi khu vực.
Ông Serhan Aktoprak, trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ở Papua New Guinea, cho hay người dân địa phương đang phải dùng cuốc xẻng, tay không để đào tìm nạn nhân vì thiết bị hạng nặng chưa thể đến nơi do tuyến đường duy nhất tới khu vực bị vùi lấp. Khu vực thảm họa có nơi bị vùi lấp dưới hơn 8 m đất đá.
"Đã hơn ba ngày trôi qua từ khi thảm họa xảy ra, chúng tôi đang chạy đua với thời gian, nhưng cũng không rõ có đủ nguồn lực để cứu giúp mọi người hay không", ông Serhan Aktoprak nói.
Theo Reuters, rất khó để ước tính chính xác dân số địa phương vì cuộc điều tra dân số đáng tin cậy gần đây nhất của Papua New Guinea là vào năm 2000, hơn nữa nhiều người sống ở các ngôi làng miền núi xa xôi, hẻo lánh.
Làng Kaokalam nằm ở tỉnh Enga, cách thủ đô khoảng 600km về phía Bắc. Liên Hợp Quốc cho rằng, dữ liệu về số người thiệt mạng có thể còn thay đổi trong những ngày tới.