"Tôi hy vọng Quy định về luân chuyển cán bộ lần này sẽ lấp kín kẽ hở để không có những trường hợp chạy chui bằng "đường tiểu ngạch" như Trịnh Xuân Thanh", ĐBQH Lê Thanh Vân nói.
Mới đây, Bộ Chính trị ban hành một quy định riêng về luân chuyển cán bộ với những quan điểm, nguyên tắc rất rõ ràng, chặt chẽ. Quy định này được xem là giải pháp quan trọng góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ thời gian qua.
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội – người được Trung ương luân chuyển về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương trong số 44 cán bộ năm 2014.
ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, Quy định mới về luân chuyển cán bộ sẽ "chặn" được những trường hợp như Trịnh Xuân Thanh. |
PV: Thưa ông, luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng trong công tác cán bộ nhằm bồi dưỡng, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, khắc phục tình trạng cục bộ địa phương, ngành... Ông kỳ vọng như thế nào về Quy định này?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Tôi hy vọng Quy định về luân chuyển ban hành lần này sẽ khắc phục được những việc còn tồn tại của đợt luân chuyển cán bộ năm 2014. Đó là: Lấp kín kẽ hở để không có những trường hợp chạy chui bằng "đường tiểu ngạch" như Trịnh Xuân Thanh; chọn đúng người có thực đức, thực tài đưa đi rèn luyện, thử thách qua thực tiễn để trưởng thành, làm cơ sở cho việc lựa chọn cán bộ nguồn theo đúng nghĩa; có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của Trung ương để bảo vệ cán bộ trung lương, liêm chính, nhằm tránh trường hợp bị trù dập, ngáng trở; có cơ chế đánh giá khách quan, minh bạch, đúng đắn đối với những đóng góp tích cực, đúng tầm đầy tâm huyết của người được đưa đi luân chuyển, trên cơ sở ý kiến của số đông, chứ không phải số ít nắm quyền chi phối; phải coi cán bộ đi luân chuyển là người của Trung ương đưa đi đào tạo; không nên coi là cơ cấu của địa phương (như tinh thần Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về việc chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp vừa qua).
Theo đó, người được đi luân chuyển chỉ cần đạt số phiếu quá bán là đã đạt yêu cầu, đặc biệt là ở những địa bàn phức tạp mà người đó thân cô, thế cô, không có quan hệ bà con thân thích. Có như vậy mới bảo vệ được cán bộ, khắc phục được tính cục bộ, bản vị và nhận thức sai lầm của người đứng đầu ở một số nơi.
PV: Quy định lần này nhấn mạnh vào việc, “không điều động về Trung ương, địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu”. Ông đánh giá thế nào về điểm mới đáng chú ý này?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Tôi cho rằng, đây là nội dung thể hiện tư duy rất mới của Đảng về thưởng, phạt nghiêm minh đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Theo đó, một người đã bị kỷ luật vì nhiều lý do khác nhau do lỗi cố ý hay vô ý thì đều bị xử lý, tùy theo mức độ sai phạm.
Một người bị kỷ luật, bản thân thang bậc về năng lực, đạo đức, của người đó, tự nó đã bị hạ mức rồi! Nếu điều chuyển những cán bộ bị kỷ luật về Trung ương hay địa phương là điều phản cảm, bởi họ không còn uy tín trong con mắt đồng chí, đồng nghiệp. Đã mất uy tín, thì làm sao có thể thu phục, chí ít là thu phục nhân tâm của người khác nữa.
PV: Hiện tượng chạy luân chuyển, đưa cán bộ không hợp ê-kíp của mình đi nơi khác, ưu ái trong luân chuyển đã từng tồn tại ở một số địa phương, ngành gây bức xúc trong dư luận. Theo ông, Quy định sẽ khắc phục hạn chế này như thế nào?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Vấn đề chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm trở thành vấn đề bức xúc trong Đảng, Nhà nước và xã hội đến mức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo nhiều lần.
Bản chất của những hành vi sai trái ấy xuất phát từ tính háo danh và lòng tham vô đáy của một bộ phận cán bộ tha hóa, biến chất không tiết chế được ham muốn cá nhân, không tự nhận ra năng lực và phẩm hạnh tầm thường của mình.
Lợi dụng sơ hở và sự thiếu vắng của các quy định cụ thể, một bộ phận đã đưa người thân, đưa đệ tử, bán chức tước để trục lợi cho gia đình, dòng tộc, cho phe cánh nhằm củng cố quyền lực, dễ bề thao túng, đục khoét tài sản của Nhà nước, tài sản của nhân dân, phá hoại Đảng, phá hoại Nhà nước.
Vì lẽ đó, thời gian qua, khi Tổng Bí thư phát động chiến dịch “đốt lò” để tiêu hủy củi tươi, củi khô đạt được nhiều kết quả cụ thể, đang làm nức lòng nhân dân cả nước và những cán bộ, Đảng viên trung kiên.
Nhận thấy mối nguy từ những căn bệnh đã đến hồi trầm kha ấy, việc ban hành hàng loạt các quy định nhằm siết chặt tiêu chuẩn cán bộ, rào chắn kỹ càng quy trình cán bộ, xử lý nghiêm minh các sai phạm là điều cần thiết. Đặc biệt, việc ban hành Quy chế về luân chuyển cán bộ lần này với những quy định chặt chẽ hơn, sẽ tạo cơ sở quan trọng cho việc ngăn chặn những tệ nạn trên. Điều quan trọng là ở khâu tổ chức thực hiện mà thôi!
Thực tiễn cho thấy, khi đã ban hành quy định chặt chẽ rồi, nhưng nếu buông lỏng giám sát, kiểm tra thì vi phạm sẽ vẫn lặp lại, bởi khâu trọng yếu nhất vẫn là đội ngũ cán bộ thi hành. Nếu người thực thi chủ trương, chính sách mà trí không minh, tâm không sáng, lại có lòng tham túc trực thường hằng, thì sai phạm sẽ vẫn diễn ra và mục tiêu không thể đạt được.
Đảng có hai cánh tay quan yếu là tổ chức và kiểm tra, thì phải phát huy thật hiệu lực, hiệu quả để củng cố bộ máy, xác định chính xác chất lượng cán bộ, mở lối cho hiền tài đường hoàng xuất thân chăm lo việc nước. Có như vậy, Đảng mới thực sự đại diện cho tinh hoa trí tuệ của dân tộc, mới khẳng định được uy tín trong nhân dân, mới xứng đáng là đội quân tiên phong vạch đường, chỉ lối cho đất nước phát triển.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu