Kỳ bí tảng đá "mọc tóc trắng"
Mới đây, cộng đồng mạng lan truyền hình ảnh một tảng đá mọc "tóc" trắng, thu hút sự chú ý của nhiều người. Theo trang Sohu đưa tin, một người đàn ông tên Tiền Ân Hồng ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đã phát hiện tảng đá này từ nhiều năm trước.
Theo đó, vào một buổi chiều tà, ông Tiền Ân Hồng vác cuốc về nhà như thường lệ. Khi đi trên đường, lúc này có một tia nắng phản chiếu vào ngọn cỏ, ông phát hiện ra một viên đá lạ bên vệ đường và lập tức bị thu hút bởi dáng vẻ bên ngoài của nó. Ông dừng lại nhìn kỹ thì nhận ra đó là một viên đá nhưng nó lại có tóc trắng trên thân, điều này khiến ông vô cùng kinh ngạc.
Sống đến từng tuổi này, đã chứng kiến rất nhiều chuyện kỳ quái trên đời xảy ra, nhưng đây là lần đầu tiên ông nhìn thấy một hòn đá có lông trắng mọc trên thân. Ông lão định bụng đây không phải là hòn đá bình thường, mà có thể là món quà "trời ban", thế nên, ông lập tức nhặt viên đá lên và mang nó về nhà.
Tảng đá mọc "tóc" trắng, thu hút sự chú ý của nhiều người. Ảnh: Sohu.
Ban đầu, ông Tiền Ân Hồng cũng không chắc chắn liệu những sợi trắng trên đá có phải là tóc thật hay không. Tảng đá bất bình thường này đã thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh ông và có nhiều đồn đoán đã được đưa ra. Dẫu vậy, không ai có thể giải thích hiện tượng này dựa trên khoa học, nhất là vào thời bấy giờ. Sự tò mò và những suy đoán đã không ngừng nổi lên, từ giả thuyết đó là sinh vật sống đến cây rong biển, thậm chí là sinh vật ngoài hành tinh.
Sau 6 tháng trưng bày trong nhà, ông Tiền phát hiện "tóc" trên tảng đá này vẫn tiếp tục dài thêm 2 cm. Điều đáng chú ý là, "tóc" này không chỉ trở nên cứng hơn mà còn rụng ra như tóc người thật.
Chính vì sự bí ẩn từ câu chuyện hòn đá kỳ lạ đã thêu dệt nên rất nhiều tin tức, gây hoang mang cho người dân sinh sống tại khu vực này. Để xoa dịu sự "náo loạn" trong làng, chính quyền đã cử một số chuyên gia đến địa phương để điều tra và nghiên cứu. Thật bất ngờ, điều đầu tiên mà các chuyên gia này đã làm sau khi nhìn thấy hòn đá phủ đầy "tóc trắng" chính là yêu cầu chính quyền phong tỏa toàn bộ ngôi làng.
Khi nghe tin phong tỏa, người trong thôn làng lập tức càng thêm hoảng loạn, thế nhưng họ vẫn thực hiện nghiêm ngặt và hợp tác để các chuyên gia làm việc. Tuy nhiên, không có sinh vật hay tảng đá nào mang các đặc điểm tương tự được phát hiện.
Giải mã khoa học
Theo lời khuyên của các chuyên gia, viên đá bí ẩn được gửi đi nhiều nơi để nghiên cứu. Thế nhưng rất nhiều nhà khoa học đầu ngành cũng đã phải “bó tay”. Cuối cùng, nó được đưa đến Bắc Kinh để tham khảo ý kiến từ các giáo sư tại Đại học Bắc Kinh và Viện Hải dương học Trung Quốc.
Những "sợi tóc" trên đá thực chất là một loại động vật không xương sống thuộc lớp Đầu bảng trùng, một sinh vật sống trong biển sâu. Ảnh: Sohu.
Các nghiên cứu chuyên sâu đã chỉ ra rằng những "sợi tóc" trên đá thực chất là một loại động vật không xương sống thuộc lớp Đầu bảng trùng, một sinh vật sống trong biển sâu. Nó thường ký sinh và dính chặt vào bề mặt của vật thể nên không thể rửa trôi, cũng không thể cạo bỏ. Sở dĩ loài sinh vật này có bề ngoài giống như sợi "tóc trắng" của con người là vì khi trao đổi chất, chúng sẽ hình thành một loại đường ống mảnh và mềm để vận chuyển chất dinh dưỡng và bài tiết.
Điều đặc biệt là, những sinh vật này trước đây chỉ được biết đến ở vùng biển Nam Cực và chưa bao giờ được phát hiện trong lãnh thổ Trung Quốc.
Về cơ bản, đáp án cho bí ẩn này là tảng đá thực sự là một hòn đá, nhưng trên đá có một loài động vật không xương sống tương đối tiên tiến và thuộc ngành Hemichordates tên cephalothorax ký sinh. Ở vùng biển sâu, cephalothorax gặp phải những tảng đá bị cuốn trôi thành sỏi ở vùng nước nông rồi trôi xuống đại dương. Nó bám vào đá, ăn các sinh vật nhỏ bé trong đại dương và từ từ phát triển trên đá.
Trước đó, các chuyên gia đã từng tìm kiếm và nghiên cứu về chúng nhưng hầu như không tìm thấy, điều đó cũng đồng nghĩa với việc sinh vật này vô cùng hiếm và có thể đã tuyệt chủng. Có thể nói, việc ông lão phát hiện ra hòn đá có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tiếp tục nghiên cứu các loài sinh vật cổ đại.
Các chuyên gia yêu cầu lệnh phong tỏa ngôi làng vì biết chắc chắn rằng đây là một loài sinh vật hiếm có thể giúp họ nghiên cứu về thời đại hoặc tìm ra một loại sinh vật nào đó mới, vô cùng quan trọng và có giá trị nghiên cứu cao. Họ lo sợ rằng, có thể dân làng sẽ vô tình làm hại loài sinh vật này trong lúc họ làm việc ngoài đồng hay đi trên đường. Đó là lý do họ phải phong tỏa ngôi làng để phục vụ mục đích nghiên cứu.
Các chuyên gia cũng giải thích thêm, vì nơi mà cụ ông sinh sống chính là một ngôi làng ven biển, rất có thể loài sinh vật kỳ lạ này đã trôi dạt vào đất liền dưới sự tác động của sóng biển. Hơn nữa, bề mặt của hòn đá trên cạn thường nhẵn, là môi trường thích hợp để nhóm sinh vật này sống bám ký sinh.
Về phần ông Tiền Ân Hồng, sau khi nghe chuyên gia đưa ra kết luận thì nhẹ nhõm hơn vì ban đầu nghĩ rằng đây là một loại đá đã hóa "thành tinh". Khi biết được đây là hòn đá có giá trị nghiên cứu, ông lão đã nhanh chóng bàn giao lại viên đá cho nhà nước để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.