Các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu ở Anh đã lấy mẫu thử từ mô phổi của 13 bệnh nhân sắp được phẫu thuật và hạt vi nhựa được tìm thấy ở 11 trường hợp trong số đó. Các hạt phổ biến nhất là polypropylene - được sử dụng trong bao bì, ống nhựa và PET - được sử dụng trong chai nhựa.
Kiểm tra trong phòng thí nghiệm cho thấy hạt vi nhựa gây tổn hại cho các tế bào của người.
Hai nghiên cứu trước đó từng phát hiện hạt vi nhựa với tỷ lệ cao tương tự trong mô phổi được lấy trong quá trình khám nghiệm tử thi.
Phát hiện mới càng làm nổi bật thêm vấn đề ô nhiễm hạt vi nhựa đang len lỏi khắp hành tinh, khiến con người không thể tránh khỏi sự phơi nhiễm, đồng thời cho thấy "mối quan tâm ngày càng gia tăng về nguy cơ đối với sức khỏe”, theo Guardian.
Những nghiên cứu trước đây cũng từng cho thấy con người có thể hít vào các hạt nhỏ khi hô hấp, cũng như có thể dung nạp chúng qua thức ăn và nước uống. Bên cạnh đó, những người lao động tiếp xúc với mức độ vi nhựa cao cũng có khả năng sinh bệnh.
Hạt vi nhựa là những vật liệu nhựa có đường kính nhỏ hơn 5 mm và nhựa nano có đường kính nhỏ hơn 0,001 mm, phần lớn hình thành từ sự mài mòn của các mảnh nhựa lớn hơn được thải ra môi trường. Nghiên cứu trên động vật hoang dã và động vật trong phòng thí nghiệm đã cho thấy, có sự liên quan giữa việc tiếp xúc với hạt vi nhựa và tình trạng vô sinh, viêm nhiễm và bệnh ung thư.
Trước đó, vào tháng 3, lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khoa học phát hiện vi nhựa trong máu người, Interesting Engineering hôm 24/3 đưa tin. Các hạt tí hon được tìm thấy trong gần 80% người tham gia thử nghiệm, theo nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Environmental International.
Theo Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên, mỗi năm có hơn 300 triệu tấn nhựa thải ra, trong đó ít nhất 14 triệu tấn trôi ra đại dương và có thể bị các sinh vật biển ăn phải, trở thành nguy cơ tiềm ẩn cho chuỗi cung cấp thực phẩm của con người.
Một số loại vật liệu phải mất nhiều thế kỷ để phân rã, trong đó có rác nhựa. Những lo ngại về tác hại ô nhiễm lâu dài của rác nhựa đã khiến nhiều nước thực thi luật giảm dần và tiến tới xóa bỏ đồ nhựa dùng một lần.
Mộc Miên (T/h)