Từ lâu, nền giáo dục của Hàn Quốc vẫn thường được cả thế giới ngưỡng mộ bởi tỉ lệ học sinh xếp hạng rất cao, có vị trí tương đương với các nước Tây Âu phát triển.
Nhưng trên thực tế, đằng sau vỏ bọc màu hồng bởi những thành tích xuất sắc về giáo dục của đất nước được mệnh danh là "xứ sở kim chi" này lại như con dao 2 lưỡi đang ngày ngày đè nén, gây nên áp lực cho toàn bộ học sinh, sinh viên.
Học sinh cuối cấp trung học ở Hàn Quốc phải tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học gọi là Bài kiểm tra năng lực học thuật đại học Suneung hay CSAT. Đây được coi là 1 trong những kỳ thi đại học áp lực và khó nhất thế giới. Kỳ thi này kéo dài 9h, thường được tổ chức vào tháng 11 hàng năm.
Kỳ thi CSAT lần đầu được tổ chức vào năm 1994. Kỳ thi sẽ diễn ra vào thứ 5 đầu tiên của tháng 11 hàng năm bao gồm các môn thi như địa lý, đạo đức, luật pháp và chính trị, lịch sử thế giới cùng nhiều chủ đề khác. Người dân Hàn Quốc coi kỳ thi CSAT là đặc biệt quan trọng vì kết quả thi sẽ là căn cứ để các học sinh chọn trường đại học hoặc cao đẳng và mở ra con đường cho sự nghiệp trong tương lai.
Hãng tin CNN cũng từng nhận định, kỳ thi CSAT là một trong những kỳ thi đại học khốc liệt nhất châu Á. Không chỉ học sinh mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng thường cảm thấy rất áp lực trước sự kiện quan trọng này.
Kỳ thi đại học Hàn Quốc khủng khiếp đến mức nào? Sĩ tử chỉ được ngủ 3 tiếng/ ngày, thôi miên để giảm căng thẳng khi ôn thi. Ảnh: Phụ nữ số.
Vậy đề thi Suneung có thể khó đến mức nào? Nhiều năm qua, học sinh Hàn Quốc đã phải đối mặt với những đề bài được gọi là “những câu hỏi sát thủ” - những vấn đề cực kỳ khó và dường như không phù hợp với những gì một học sinh lớp 12 cần biết. Câu hỏi “sát thủ” này đôi khi nằm ngoài phạm vi chương trình giảng dạy của hệ thống giáo dục công lập.
Ví dụ, trong môn tiếng Hàn, các học sinh phải trả lời các câu hỏi như về vốn chủ sở hữu và tài sản ngân hàng có rủi ro. Các câu hỏi trong phần “xã hội” của bài kiểm tra thách thức họ giải mã các phân tích giả thuyết ba chiều về lý thuyết phát triển nhận thức của Piaget. Một câu hỏi mẫu khác yêu cầu thí sinh phân tích một đoạn văn dài về triết lý ý thức.
Đề thi đại học Suneung nổi tiếng không chỉ vì tính nghiêm ngặt của nó, mà từ lâu còn khiến ngành giáo dục tư nhân bùng nổ. Cái gọi là các trường luyện thi thường chật kín học sinh cho đến quá nửa đêm, và cuộc thi CSAT đã tạo ra một cuộc đua khốc liệt giữa các học sinh lẫn phụ huynh để vào được các trường đại học tốt nhất.
Vấn đề này nhức nhối đến mức Tổng thống Hàn Quốc cũng phải lên tiếng đề cập và bày tỏ sự phàn nàn. Vào tháng 6 vừa qua, Lee Gue-min, Chủ tịch Viện Chương trình giảng dạy và Đánh giá Hàn Quốc đã phải xin lỗi công chúng: “Chúng tôi xin lỗi vì đã gây lo lắng cho học sinh và phụ huynh, những người đang gặp khó khăn trong việc chuẩn bị cho kỳ thi”.
Ông Lee, người có nhiệm kỳ kéo dài đến tháng 2/2025, đã từ chức chỉ vài ngày sau khi các quan chức chính phủ nêu quan ngại về bài kiểm tra đại học bao gồm những nội dung không có trong chương trình giảng dạy của trường công. Kết quả là đến cuối tháng 6, Bộ Giáo dục tuyên bố sẽ bỏ “những câu hỏi sát thủ” như một cách để giảm bớt sự phụ thuộc của các gia đình vào trường tư và gánh nặng tài chính đi kèm. Những thay đổi này sẽ có hiệu lực với kỳ thi CSAT năm nay.
Dẫu vậy, những người trong ngành kinh doanh trường luyện thi cho rằng nỗ lực này có thể không tạo ra sự khác biệt. Kang Ho-nam, phó chủ tịch điều hành của một dịch vụ gia sư toán tư nhân có trụ sở tại Seoul cho biết: “Việc thay đổi kỳ thi quá sát ngày, học sinh sẽ càng lo lắng hơn, dẫn đến việc tiếp tục đăng ký vào các học viện tư nhân”.
Kỳ thi đại học Hàn Quốc khủng khiếp đến mức nào? Sĩ tử chỉ được ngủ 3 tiếng/ ngày, thôi miên để giảm căng thẳng khi ôn thi. Ảnh: Phụ nữ số.
Sự chuẩn bị cho kỳ thi Suneung có thể bắt đầu ngay từ cấp học mẫu giáo. Một ngày của học sinh trung học Hàn Quốc diễn ra như sau: đến trường lúc 7h30 để tự học, lớp học ở trường sẽ bắt đầu lúc 9h00 kết thúc lúc 16h00. Sau đó sẽ đến các lớp luyện thi tư nhân hoặc phòng học trong trường để ôn luyện thêm đến 11h đêm.
Cuối cùng, về nhà và làm bài tập khoảng 2 đến 3 tiếng nữa mới được đi ngủ. Một vòng tuần hoàn được lặp lại không có lúc nghỉ ngơi cứ như vậy cho đi khi ngày thi đến.
Cuối tuần, nhiều học sinh phải học tới 5-6 ca. Chính phủ quy định các trung tâm phải đóng cửa vào lúc 22h nhưng một số nơi vẫn vi phạm. Họ khóa cửa lúc 22h nhưng các lớp ôn thi đại học vẫn tiếp tục diễn ra bên trong tới tận 2h sáng.
Vì thế, hình ảnh các chuyến tàu điện ngầm chật kín học sinh vào lúc 23h-24h không hề xa lạ ở Hàn Quốc, bởi đó là thời điểm các em kết thúc giờ học thêm tại trung tâm và trở về nhà.
Hầu hết học sinh và phụ huynh nơi đây luôn khao khát và mơ đến 3 chữ cái quyền lực, đó chính là S.K.Y. Các chữ cái này đại diện cho 3 trường đại học hàng đầu gồm Đại học Quốc gia Seoul (Seoul National University - SNU), Đại học Hàn Quốc (Korea University - KU) và Đại học Yonsei (Yonsei University - YU).
Sư khắc nghiệt này đáng sợ đến mức có một câu nói đã ăn sâu vào tiềm thức của người Hàn về những cạnh tranh trong cuộc thi: "Nếu ngủ 3 tiếng mỗi đêm, bạn có thể mơ tới việc trở thành một phần của S.K.Y. Nếu ngủ 4 tiếng, bạn có thể thi đỗ vào trường đại học khác. Còn ngủ 5 tiếng hoặc hơn, nhất là trong năm cuối cấp, thì hãy quên ngay ý định bước chân vào cổng đại học đi".
Thiếu ngủ, không có thời gian nghỉ ngơi giải trí, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng; nỗi lo sợ điểm số, thua thiệt bạn bè cứ bám lấy mỗi bước đi đến trường. Ấy vậy mà đến khi về nhà, nhiều bạn trẻ Hàn Quốc vẫn tiếp tục bị bố mẹ gây áp lực và dày vò về chuyện học hành và thi đại học.
Cuộc đua giáo dục ở Hàn Quốc gây thiệt hại nặng nề cho cả học sinh và phụ huynh. Các nhà phê bình từ lâu đã lập luận rằng gánh nặng đối với học sinh là một yếu tố gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia OECD.
Năm ngoái, Bộ Y tế cảnh báo tỷ lệ tự tử đang gia tăng ở thanh thiếu niên và thanh niên ở độ tuổi 20, một phần do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch.
Một cuộc khảo sát của chính phủ năm 2022 đã bổ sung thêm vào bức tranh nghiệt ngã. Trong số gần 60.000 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được khảo sát trên toàn quốc, gần 1/4 nam giới và 1/3 nữ giới cho biết họ từng bị trầm cảm.
Trong một báo cáo trước đây, gần một nửa thanh niên Hàn Quốc từ 13 đến 18 tuổi cho rằng giáo dục là mối lo ngại lớn nhất của họ.
Tuy nhiên, những nỗ lực khắc phục vấn đề cho đến nay phần lớn tỏ ra không hiệu quả. Nhắm mục tiêu vào việc thay đổi kỳ thi CSAT có thể là một bước đi nhằm cố gắng giải quyết. Nhưng một số nhà phê bình gọi đây chỉ là giải pháp cấp độ bề mặt cho một vấn đề phức tạp hơn.
Và nhiều học sinh cuối cấp trung học chuẩn bị tham gia kỳ thi vào tháng 11 đã phàn nàn rằng họ cảm thấy choáng váng trước sự thay đổi đột ngột sau nhiều năm đèn sách. Một số người đồng tình rằng lĩnh vực giáo dục tư nhân cần cải cách nhưng lại nghi ngờ tính hiệu quả của động thái này.
Như Quỳnh (T/h)