Đóng

Kỹ sư công nghệ thông tin bỏ phố, về quê "ôm" trái "khó gần" kiếm tiền tỷ mỗi năm

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Bằng niềm tin và sự kiên trì, anh Khưu Văn Chương đã biến thứ quả có mùi hăng nồng đặc trưng, vốn chỉ mọc dại và ít được xem trọng này, thành những sản phẩm giá trị.

Bỏ phố về quê khởi nghiệp

Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, anh Khưu Văn Chương (45 tuổi) đã có nhiều năm cống hiến và gắn bó với công việc tại một công ty viễn thông ở TP.HCM, nơi mang lại cho anh một cuộc sống ổn định với mức lương đáng mơ ước. Tuy nhiên, trong sâu thẳm, những lần về thăm quê nhà tại tỉnh Cà Mau đã nhen nhóm trong anh một ý tưởng lớn, làm nông nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.

Anh nhận thấy cây nhàu, một loại cây trước đây thường chỉ mọc dại ven bờ kênh, rạch, lại là một "mỏ vàng" chưa được khai phá. Cây cho trái quanh năm mà không đòi hỏi nhiều công chăm sóc.

Kỹ sư công nghệ thông tin bỏ phố, về quê "ôm" trái "khó gần" kiếm tiền tỷ mỗi năm. Ảnh: VietNamnet 

Anh Chương chi sẻ trăn trở trên báo VietNamnet: "Sau khi đi thực tế nhiều nơi, tôi nhận ra không chỉ ở Cà Mau mà tại nhiều tỉnh, thành miền Tây, giá trị của trái nhàu vẫn chưa được khai thác tối đa. Phần lớn người dân chỉ biết dùng nó để ngâm rượu trị đau nhức, trong khi số ít nhà vườn cung cấp nguyên liệu thô cho thương lái với giá rất thấp. Tại sao mình không tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có này để tạo ra những sản phẩm chăm sóc sức khỏe giá trị hơn?".

Gác lại sự nghiệp đang trên đà phát triển, năm 2018, anh Chương đưa ra một quyết định táo bạo nghỉ việc, rời bỏ thành phố hoa lệ để trở về quê nhà. Anh đã đầu tư gần 700 triệu đồng để cải tạo 5ha đất nuôi tôm của gia đình, trồng xuống 15.000 gốc nhàu. Quyết định này của anh đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ gia đình.

Anh nhớ lại: “Người nhà hỏi tôi, học hành bài bản để thoát ly nông nghiệp, giờ lại quay về điểm xuất phát là sao? Nhưng tôi tin rằng ai cũng có ước mơ của riêng mình. Sau khi bố tôi mất, đất đai gia đình không có người trông coi càng thôi thúc tôi phải thực hiện bằng được hoài bão này”.

Anh Khưu Văn Chương trong vườn nhàu: Ảnh: VnExpress

Hành trình xây dựng thương hiệu nước cốt nhàu

Sau hơn một năm kiên trì chăm sóc, vườn nhàu 15.000 gốc của anh Chương đã phát triển ổn định và bắt đầu cho những lứa trái đầu tiên. Không dừng lại ở đó, anh chủ động kết nối, liên kết với nhiều hộ nông dân khác trong tỉnh để mở rộng vùng trồng, nâng tổng diện tích lên gần 20ha. Trong thời gian chờ đợi nguồn nguyên liệu dồi dào và ổn định, anh miệt mài nghiên cứu, tìm tòi công thức chiết xuất nước cốt từ trái nhàu.

Chia sẻ trên báo VnExpress, anh Chương cho hay, công đoạn thử thách nhất chính là làm thế nào để khử được mùi hăng nồng đặc trưng nhưng vẫn phải giữ lại trọn vẹn hương vị và những công dụng quý giá của trái nhàu. Sau hàng chục lần thử nghiệm thất bại, cuối cùng anh cũng tìm ra được một công thức hoàn hảo.

Quy trình sản xuất được anh xây dựng một cách khoa học nhàu sau khi thu hoạch được đưa vào kho rửa sạch, sục ozone để đảm bảo vệ sinh và giúp trái chín đều. Tiếp đó, nhàu được đem ủ trong vòng 1 năm rồi mới đưa vào máy để tách dịch và hạt, sau đó pha chế theo công thức riêng cho từng dòng sản phẩm. Cứ 3-4kg nhàu tươi mới cho ra được một lít nước cốt nguyên chất.

Những chai nước cốt đầu tiên được chính người thân trong gia đình dùng thử và cho phản hồi vô cùng tích cực. Đó là động lực để năm 2020, anh Chương chính thức thành lập công ty, mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại. Vợ anh cũng quyết định nghỉ việc ở TP.HCM để về quê chung sức cùng chồng.

Để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, anh tận dụng tối đa sức mạnh của không gian mạng, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử lớn, đồng thời tích cực tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại và hội chợ triển lãm.

Sau sơ chế, trái nhàu được ủ trong vòng 1 năm rồi tách lấy nước cốt. Ảnh: VietNamnet

Sản phẩm nước cốt nhàu của anh Chương đã vinh dự đạt chứng nhận OCOP 4 sao, được chia thành hai dòng là cơ bản và cao cấp, với giá bán dao động từ 210.000 đến 380.000 đồng mỗi chai (loại 375ml và 750ml). Mô hình này đã mang về cho gia đình anh nguồn thu nhập lớn, trên 1 tỷ đồng mỗi năm.

Anh khẳng định: “Yếu tố tiên quyết để giữ vững thương hiệu chính là cam kết cung cấp những sản phẩm có chất lượng cao nhất. Vì vậy, việc phát triển vùng trồng nguyên liệu hữu cơ và xây dựng cơ sở sản xuất đạt chuẩn luôn là ưu tiên hàng đầu mà tôi chú trọng đầu tư".

Tin nổi bật