Ông Phạm Duy Tuyến- Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương - nhận định tình hình dịch Covid-19 mùa đông xuân năm nay sẽ có những khó khăn nhất định, chúng ta không thể lơ là...
Sau khi quyền Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương chuẩn bị kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 trong mùa đông xuân tại buổi giao ban trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch Covid- 19 với các địa phương trong cả nước ngày 13/10, PV tạp chí Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương về bài học chống dịch của địa phương cũng như kịch bản trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 mùa đông xuân tới đây.
PV: Thưa ông, vào tháng 8/2020 tỉnh Hải Dương cũng có những ca nhiễm Covid trong cộng đồng và buộc phải phong tỏa toàn thành phố. Cho đến nay, đã hơn 40 ngày không còn ca bệnh mới trong cộng đồng. Vậy, ông có thể cho biết bài học trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh mình là gì?
Ông Phạm Duy Tuyến: Bài học thứ nhất là sự đồng lòng, nhất trí cao trong toàn bộ hệ thống chính trị cũng như thông tin tuyên truyền cho toàn dân hiểu, đồng lòng với các chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chức năng, các đơn vị chuyên môn y tế. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch.
Thứ hai, tăng cường thực hiện theo tinh thần bộ Y tế đã khuyến cáo với khẩu hiệu 5K “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”, nhất là đối với những đối tượng di biến động có nguy cơ hoặc yếu tố từ vùng dịch trở về địa phương.
Thêm nữa, tăng cường vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân cũng như tăng cường các hoạt động tại các cơ sở y tế, phân vùng, các yếu tố dịch tễ được phát hiện sớm, sàng lọc bằng xét nghiệm.
Hồi tháng Tám, TP. Hải Dương đã thực hiện biện pháp giãn cách xã hội |
PV: Như quyền Bộ trưởng bộ Y tế nói, mùa đông năm nay dự báo rất khốc liệt trong chống dịch Covid-19. Là người cũng công tác trong ngành y tế, cá nhân ông có gì lo ngại? Vì sao?
Ông Phạm Duy Tuyến: Phải nói rằng, thời tiết mùa đông là điều kiện để cho các bệnh truyền nhiễm có cơ hội phát triển, lan rộng ra cộng đồng. Vì vậy, việc tăng cường các biện pháp về thông tin truyền thông, tăng cường các hoạt động giáo dục cũng như quản lý đối với hệ thống các bệnh lây nhiễm là hết sức cần thiết.
Thêm nữa, cần chú trọng triển khai các hoạt động về tiêm chủng mở rộng, phòng ngừa bệnh truyền nhiễm nhất là trong dịp đông xuân này, không được để “dịch chồng dịch”. Khi xuất hiện các dịch bệnh phải khẩn trương khoanh vùng để dập dịch.
Đồng thời, ngoài tiêm vắc-xin phòng chống các bệnh như cúm mùa, thì người dân cũng cần phải có các biện pháp giữ ấm cơ thể...
Thời tiết giao mùa là thời điểm có rất nhiều dịch bệnh phát sinh, nên việc nâng cao sức khoẻ cá nhân, vệ sinh môi trường, tăng cường các hoạt động quản lý giám sát không để ổ dịch lây lan... là điều cần phải lưu tâm trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 có thể diễn biến hết sức phức tạp, phải đề cao cảnh giác. Nhất là khi vấn đề vắc-xin phòng, chống Covid-19 phải mất khoảng thời gian dài nữa mới có thể tiêm và tạo miễn dịch chủ động.
Tuyệt đối không chủ quan
PV: Từ sau khi không còn ca nhiễm trong cộng đồng, phía CDC cũng như ngành y tế của tỉnh có những khuyến cáo như thế nào đối với người dân?
Ông Phạm Duy Tuyến: Hiện nay, về phía UBND tỉnh đã có văn bản hướng dẫn công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới. Đồng thời, vẫn nâng cao cảnh giác, không lơ là, không chủ quan trước dịch Covid-19.
Tỉnh cũng đã giao cho các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt việc thông tin tuyên truyền, nhất là thực hiện theo khẩu hiệu 5K của bộ Y tế khuyến cáo. Tăng cường các hoạt động trong công tác quản lý, giám sát cũng như phát hiện sớm để sàng lọc các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm. Đồng thời, siết chặt quản lý, giám sát đối với các trường hợp nhập cảnh từ bên ngoài, tổ chức cách ly triệt để cũng như xét nghiệm sàng lọc với quan điểm không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Về phía sở Y tế vẫn phải rà soát các cơ sở y tế, chấm lại theo quy định của bộ Y tế về bệnh viện an toàn trong công tác phòng, chống Covid-19. Sau đó, ngành y tế Hải Dương cũng sẽ có kế hoạch thẩm định, đánh giá về các đơn vị y tế có đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch hay không.
Đồng thời, thông tin tuyên truyền để người dân tự có ý thức nâng cao sức khoẻ, tăng sức đề kháng phòng, chống dịch bệnh trong mùa đông xuân.
PV: Vậy kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 trong mùa đông xuân tới tại địa phương mình như thế nào?
Ông Phạm Duy Tuyến: Với chỉ đạo từ phía bộ Y tế, CDC Hải Dương đang tham mưu, xây dựng các nội dung kế hoạch để ứng phó với dịch trong tình hình mới. Chúng tôi cũng đang xây dựng dự thảo, sau khi có được các ý kiến đóng góp đầy đủ từ các cấp, sở chúng tôi sẽ thông tin cụ thể.
Đặc biệt cảnh giác khi mùa đông đến Tại cuộc họp Thường trực ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chiều 15/10, các chuyên gia, thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá không còn là nguy cơ mà thế giới đang đứng trước một đợt bùng phát dịch dài. Ở trong nước, mặc dù tình hình dịch đang được kiểm soát tốt nhưng vấn đề đặt ra là làm sao siết lại tinh thần chống dịch, đặc biệt không được mất cảnh giác khi mùa đông sắp đến, nhất là ở miền “ Bắc, là điều kiện rất thuận lợi cho virus SARS-CoV-2 phát triển, lây lan. |
Hoàng Bích
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (42)