Con không may đồng phục mới bị cô giáo dọa: "Nếu không may đồng phục mới thì khai giảng xong sẽ cho nghỉ học" - phụ huynh có con học tại Trường TH Phù Khê kể.
Áo đồng phục của học sinh Trường tiểu học Phù Khê. |
Vào năm học mới 2014-2015, Trường tiểu học Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh tiến hành may đồng phục mới cho học sinh. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số phụ huynh có con đang theo học tại trường, đồng phục từ năm ngoái vẫn mặc vừa nhưng nhà trường vẫn bắt may thêm đồng phục mới.
Không may áo mới, sẽ cho nghỉ học?
Trong đơn gửi Báo Giáo dục Việt Nam, một phụ huynh có con đang theo học tại Trường tiểu học Phù Khê tỏ ra bức xúc: Năm ngoái cháu có may 2 áo cộc, 1 áo dài và 2 quần đồng phục theo trường. Nhưng sang năm nay, do áo và quần các cháu vẫn mặc vừa thậm chí vẫn dài rộng nên tôi nhắc các cháu rằng cô giáo có bảo may thì bảo đồng phục con vẫn mới và mặc vừa nên con không đăng ký nữa.
Theo lời của phụ huynh này, khi cô giáo gọi người vào đo đồng phục, con có ý kiến với cô như vậy thì cô giáo dọa “Nếu không may đồng phục mới, thì khai giảng xong sẽ cho nghỉ học”, “Ai cũng phải may ít nhất một cái áo mới, không được mặc áo của năm trước”.
Không chỉ thế, vị phụ huynh này còn phản ánh việc nhà trường đưa người về may và đo đồng phục năm nào cũng thế, không hề lấy ý kiến của phụ huynh, gần đến khai giảng thì phát cho các cháu về mặc, đến hôm họp phụ huynh thông báo thu tiền thì thu hết chung với các khoản khác.
Với việc quần áo còn mới, mặc được từ năm ngoái giờ không cho mặc nữa có phải là lãng phí, đi ngược lại với chủ trương tiết kiệm mà toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội đang thực hiện? Chưa nói đến việc giá một bộ đồng phục so với thu nhập của người dân là không hề rẻ.
Trường tiểu học Phù Khê, Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. |
Và, nếu bắt buộc may mới hoàn toàn như trên, cả nước có hàng chục triệu học sinh phổ thông thì sự lãng phí sẽ như thế nào?
Gần tạ thóc mới mua đủ bộ đồng phục
Trường Tiểu học Phù Khê thuộc thôn Nghĩa Tiến, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Xã Phù Khê là làng nghề truyền thống đồ gỗ mỹ nghệ từ lâu đời. Người dân trong xã chủ yếu theo nghề thợ chạm truyền thống của làng nghề, bên cạnh đó còn làm nông như trồng trọt và chăn nuôi. Do là làng nghề truyền thống, xã Phù Khê còn thu hút hàng nghìn lao động từ các địa phương khác về làm việc.
Học sinh học tại Trường tiểu học Phù Khê tập trung chủ yếu con em trong xã, một số con của xã lân cận và con của thợ từ khắp nơi đến làm việc.
Theo như tìm hiểu bảng giá đồng phục học sinh năm 2013 của trường, một áo sơ mi (không phân biệt dài tay hay ngắn tay) có giá dao động từ 75 nghìn đến 83 nghìn đồng, tùy vào các lớp 1, 2, 3, 4, hoặc lớp 5; một váy/soóc có giá từ 105 nghìn đến 125 nghìn đồng; một áo khoác từ 115 nghìn đến 127 nghìn đồng, cũng tùy các lớp.
Như vậy, mỗi năm, nếu may đủ bộ gồm 1 áo cộc, 1 áo dài, 1 quần soóc/váy và 1 áo khoác, một học sinh của trường phải bỏ ra ít nhất là 75.000 x 2(áo) + 105.000 x 1 + 115.000 x 1 = 370.000 đồng, năm năm học thì số tiền sẽ là 370.000 x 5 = 1.850.000 đồng.
Với số học sinh của trường trên 1100 học sinh (năm 2013), tổng số tiền mà các em có thể phải chi cho việc may đồng phục là 1.850.000 x 1100 = 2.035.000.000 đồng.
Với đối tượng là con nhà khá giả, có điều kiện thì con số 370 nghìn đồng mỗi năm chi cho việc may đồng phục có thể không thành vấn đề, nhưng với con nhà làm nông thì sao?
Tính đến tháng 7/2014, giá thóc mua tại ruộng dao động 5000 đồng/kg. Như vậy, với 370 nghìn đồng, gia đình làm nông sẽ phải bán 74kg thóc, chưa kể nếu may thêm, con số phải lên gần 1 tạ thóc, và nhà có hai con đi học thì số tiền sẽ tăng gấp đôi, quả là một gánh nặng.