(ĐSPL) - Từ ngày cha mất, mọi lo toan cuộc sống gia đình đè nặng trên đôi vai của người mẹ. Chiếc xe đậu hũ trở thành "cần câu cơm" của bốn mẹ con. Tuy vậy, cuộc sống lam lũ của người mẹ vẫn thiếu trước hụt sau, không nuôi đủ ba người con ăn học.
Nhiều năm liền sống trong cảnh nghèo nhưng Phạm Thị Ngọc Biển ngày ngày vẫn miệt mài đèn sách đến trường. Rồi em trở thành thủ khoa của trường ĐH KHXH&NV TP.HCM trong sự vui mừng khôn tả của gia đình, bạn bè và thầy cô.
Nuôi ước mơ tới trường từ khốn khó
Những ngày gần đây, có dịp vào thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), mọi người sẽ được người dân kể về cô học trò nghèo, hàng ngày đi bán cà phê và phụ mẹ bán đậu hũ đã trở thành thủ khoa của một trường đại học danh tiếng ở TP.HCM. Họ không ngớt lời khen ngợi cô học trò nghèo chăm chỉ sớm hôm đèn sách, nuôi ước mơ giảng đường đại học.
Đó là cô học trò Phạm Thị Ngọc Biển (trường THPT Lắk) dự thi khối C, ngành Báo chí - Truyền thông, ĐH KHXH&NV TP.HCM. Với tổng điểm ba môn đạt 26, Biển xuất sắc trở thành thí sinh có điểm thi đầu vào khối C cao nhất trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.
Cô tân thủ khoa Ngọc Biển vui mừng khi biết tin đậu đại học. ảnh Ngọc Hồ. |
Gặp chúng tôi, ánh mắt cô bé rạng ngời, niềm vui. Biển chia sẻ khoảnh khắc khi biết mình đạt số điểm cao: "Khi em đang phụ mẹ đem đậu hũ ra chợ bán thì nhận được điện thoại của chị hàng xóm nói em đã đậu đại học với số điểm rất cao. Lúc đó, em rất hồi hộp và không tin đó là thật.
Ngay lập tức, em chạy vội ra quán Internet để xem, thấy tên và số điểm đúng như vậy mà vẫn không tin, em phải dò đi dò lại trên màn hình vi tính nhiều lần xem có chính xác không rồi mới dám khẳng định mình đạt số điểm như chị hàng xóm đã nói. Em vui sướng không nói nên lời liền chạy ra chỗ mẹ bán đậu hũ, ào vào lòng mẹ và bật khóc trong hạnh phúc. Em nói với mẹ, con đã đậu đại học, mẹ mừng quá, hai khóe mắt rớm lệ. Sau đó, em chạy tuốt về nhà, thắp nén hương cho bố để báo công".
Căn nhà cấp bốn tềnh toàng, trống trải không có một vật gì đáng giá. Tài sản của người mẹ chỉ là chiếc máy làm tàu hũ. Số tiền kiếm được chỉ 50.000 - 70.000 đồng/ngày không thấm vào đâu khi phải nuôi ba người con ăn học. Biển là con thứ hai trong gia đình có ba anh em, bố mất khi Biển lên lớp 11. Gia đình em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Anh trai hiện đang là sinh viên năm cuối của trường đại học sư phạm Quy Nhơn.
Ngoài việc học, Biển tranh thủ phụ giúp mẹ những công việc nhà và xin phụ quán cà phê để có tiền mua sách vở. "Năm bố mất, em xin mẹ nghỉ học để đi làm lấy tiền phụ mẹ trang trải cuộc sống, đồng thời có tiền gửi anh Nghị và em gái ăn học, nhưng nghĩ đến lời căn dặn của bố trước lúc mất, em tự hứa với bản thân là sẽ học thật giỏi. Nhiều lúc, mẹ ôm lấy em và nói, dù có cực khổ bao nhiêu mẹ cũng chịu được chỉ mong các con học thật giỏi để mai này tự lo cho tương lai. Lời của mẹ chính là động lực để em cố gắng học hành", Biển tâm sự.
Nghe con trải lòng, bà Nguyễn Thị Bê (SN 1970, ngụ số nhà 02, đường Hồ Xuân Hương, tổ dân phố 2, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) rơm rớm nước mắt. Bà chia sẻ: "Biển là một đứa rất ngoan hiền và hiếu thảo. Khi nghe tin cháu đậu đại học, tôi vui mừng nhưng cũng vô cùng lo lắng. Từ khi bố cháu qua đời, một mình tôi nuôi ba cháu ăn học, nhưng lúc ấy mới có cháu đầu học đại học, nay có thêm Biển thi đậu, tôi chẳng biết lấy đâu tiền mà nuôi các cháu".
Nói tới đây, giọng bà Bê nghẹn lại, ánh mắt nhìn xa xăm, bà kể: "Cả 12 năm học vừa qua, tôi chưa bao giờ lo cho Biển được đầy đủ. Sáu năm là gia đình hộ nghèo nên Biển được nhà trường miễn học phí. Sắp tới cháu đi học xa nhà, bao nhiêu khoản tiền phải đóng góp, không biết vay mượn đâu để nuôi các cháu...".
Người mẹ vất vả với gánh đậu hũ nuôi con ăn học. ảnh Ngọc Hồ. |
Bươn chải mưu sinh, vẫn học giỏi
Trong suốt 12 năm học, Biển luôn là một học sinh có học lực nổi bật của trường. Nhiều năm liền Biển đạt thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi. Năm 2012, khi bố mất, gánh nặng gia đình oằn lên vai người mẹ già.
Ngày ngày, Biển dậy sớm phụ mẹ làm đậu. Những lúc mẹ bị bệnh, em phải đẩy xe đậu hũ một mình ra chợ bán, chiều muộn đẩy xe về, có lúc tận 7h tối mới về tới nhà. Những đồng tiền ít ỏi từ bán đậu hũ, khiến Biển thêm thương mẹ và càng quyết tâm hơn cho ước mơ của mình.
Cũng vì thế, vừa thi tốt nghiệp xong, Biển lại trở về phụ việc cho quán cà phê gần nhà. Cô bé kể: "Từ ngày bố mất, em bắt đầu đi làm thêm mong có ít tiền để đỡ đần phần nào cho mẹ. Em chăm chỉ làm việc nên chủ quán cũng thương cho hoàn cảnh của em mà giúp đỡ em nhiều".
Thành tích nổi bật của cô học trò nghèo có biệt danh "muối" là đoạt giải Ba môn Văn cấp tỉnh trong hai năm học lớp 11 và 12. Biển vui vẻ chia sẻ bí quyết giúp mình học tốt chính là nhờ vận dụng sơ đồ tư duy trong cách học.
Với cách học này, trong cả ba môn Văn, Sử, Địa, Biển đều đạt thành tích cao. Với môn lịch sử, Biển lập ra sơ đồ cho các sự kiện tiêu biểu theo từng giai đoạn, năm, tháng để dễ nhớ. Môn Địa thì ngoài học trong sách giáo khoa, Biển còn tìm tòi tài liệu trên sách báo, Internet để bổ sung thêm những kiến thức riêng cho mình. Đối với môn Văn, vì đây là môn yêu thích nên em luôn tạo cho mình cảm hứng trên lớp, chăm chú nghe thầy cô giảng và ghi nhớ trong đầu.
Anh Nguyễn Thuận (49 tuổi, chủ quán cà phê Kơnia) nơi Biển làm thêm cho biết: "Từ ngày làm ở đây, Biển rất chăm chỉ, những lúc vắng khách, Biển thường đem sách vở ra học. Biết hoàn cảnh khó khăn của em, vợ chồng tôi hay động viên em phải cố gắng".
Ngày cô học trò nghèo đi vào TP.HCM trong túi chỉ có 1.525.000 đồng. Đó là số tiền em tích góp được từ việc làm thêm và được mọi người hỗ trợ. Và số tiền mồ hôi nước mắt kiếm được ít ỏi này, đã đưa em đến gần hơn với ước mơ của mình. Hy vọng, với những khó khăn còn nặng gánh phía trước, Biển sẽ kiên cường vượt qua, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Niềm tự hào của cả trường THPT Lắk Khi hay tin cô học trò nghèo đậu thủ khoa trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, thầy Bùi Quang Định, giáo viên môn Văn tự hào nói về cô học trò nghèo hiếu học: "Tuy tôi không là người trực tiếp dạy Biển trên lớp, nhưng tôi biết Biển từ khi em được tuyển vào lớp chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi của trường. Nhờ sự nỗ lực không biết mệt mỏi cùng với ý chí không ngại khó khăn, nên hai năm liên tục từ năm 2012-2103 và 2013 - 2014, em đoạt hai giải ba môn Văn cấp tỉnh. Biển là một học sinh có tư chất, năng khiếu về môn Văn. Trên lớp, Biển là một học sinh có tinh thần học tập rất tốt, cầu thị và chịu khó. Đặc biệt, em có một nghị lực phi thường, biết vượt qua khó khăn trong cuộc sống để vươn lên. Việc em Biển đậu thủ khoa của khoa báo chí, trường ĐH KHXH&NV, thầy cô chúng tôi không kể hết niềm hạnh phúc, vui sướng. Em là niềm tự hào của cả thầy trò trường THPT Lắk chúng tôi". |