Báo Dân trí đưa tin, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết lúc 6h sáng 25/1, nhiệt độ tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) ghi nhận được là -2,6 độ C, thấp hơn 0,1 độ C so với một ngày trước. Đây vẫn là khu vực có mức nhiệt thấp nhất trong số các trạm quan trắc nhiệt độ tại miền Bắc.
Tại nhiều khu vực núi cao, nhiệt độ quan trắc được ở mức tương đương một ngày trước. Những điểm có mức nhiệt dưới 5 độ C bao gồm: Mộc Châu (Sơn La), Sapa (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang), Trùng Khánh (Cao Bằng)...
Trong khi đó, nhiệt độ tại Hà Nội chạm mức 9,9 độ C, bằng mức nhiệt của ngày 23/1. Cùng với đó, nhiều tỉnh, thành phố khác ghi nhận nhiệt độ thấp hơn 10 độ C ở trạm quan trắc. Theo quy định, học sinh mầm non và tiểu học có thể tiếp tục được nghỉ học.
Rét đậm ở miền Bắc dự kiến tiếp tục kéo dài do không khí lạnh tăng cường. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống
5 địa phương có mức nhiệt xấp xỉ 10-10,2 độ C bao gồm: Tuyên Quang, Việt Trì (Phú Thọ), Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Phủ Lý (Hà Nam), Ninh Bình. Tại Trung Bộ, nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ nhưng không đáng kể. Mức nhiệt tại trạm Vinh (Nghệ An) là 11,8 độ C, cao hơn khoảng 2 độ C so với 24 giờ trước, nhưng khu vực vẫn chìm trong rét hại.
Theo báo Sức khỏe và Đời sống, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 24/1, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở Nam Trung Bộ; ở khu vực vùng núi cao phía Bắc một số nơi đã xuất hiện băng giá. Khu vực phía Bắc của Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có nơi cấp 8. Đêm 24/01, không khí lạnh cường độ mạnh tiếp tục ảnh hưởng đến một số nơi khác ở Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 7-8.
Đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể kéo dài đến khoảng ngày 29/01. Trong đợt rét đậm, rét hại diện rộng này vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá. Dù vậy, mức nhiệt tối thấp có xu hướng tăng chậm qua từng ngày. Những ngày tới, mức nhiệt dưới 10 độ C vào 6h sáng có thể chỉ còn được ghi nhận ở các khu vực vùng núi và trung du.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, đây là đợt không khí lạnh có cường độ mạnh nhất mùa Đông năm 2023-2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 24/1 đã ký ban hành Công điện số 08 về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài.
Theo công điện của Thủ tướng, những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh, toàn miền Bắc đã xảy ra rét hại, vùng núi cao xuất hiện băng giá, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và sản xuất nông nghiệp.
Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại đối với sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe của người dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài.
Người đứng đầu yêu cầu chủ tịch các tỉnh, thành chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp phòng, chống rét và diễn biến thời tiết khắc nghiệt, bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân, nhất là người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế…
Các địa phương cũng cần triển khai đồng bộ biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.
Phương Uyên (T/h)