(ĐSPL) - Chị Tuyết "lửa" không nhớ đã bao nhiêu lần bị khủng bố, đe dọa giết, thậm chí các đối tượng buôn lậu còn dọa lấy mạng cả gia đình chị.
Năm 2010, sau nhiều lần luân chuyển, chị Đặng Thị Tuyết được phân công làm Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức (TP.HCM), cửa ngõ nóng nhất tại TP.HCM về vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép. Chị Tuyết luôn cố gắng hết sức để ngăn chặn tình trạng tiêu cực và hoàn thành nhiệm vụ. Tinh thần "thép" của chị khiến những cuộc điện thoại, tin nhắn đe dọa chưa bao giờ hết “nóng”. Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với chị xung quanh những khó khăn trong nhiệm vụ của chị.
“Khắc tinh” của các trùm buôn lậu
Không ít người tò mò về những nguy hiểm mà chị gặp khi thực hiện công việc trong chức trách của mình. Chị có thể chia sẻ về thời gian chị bắt đầu về công tác tại Trạm kiểm dịch Thủ Đức?
- Năm 1995, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành thú y ĐH Nông Lâm TP.HCM, tôi xin về làm bác sỹ thú y tại một trang trại nuôi heo của Đài Loan tại Bình Dương. Hai năm sau, tôi chuyển về làm cán bộ thú y ở trạm thú y và năm 2005, tôi trở thành Trưởng trạm thú y quận 9. Năm 2010, sau nhiều lần luân chuyển, tôi được chuyển về làm trạm trưởng trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức – cửa ngõ nóng nhất của TP.HCM về vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép. Thời gian làm việc tại đây, nhiều người gọi tôi là “khắc tinh” của các trùm buôn lậu, với biệt danh Tuyết “lửa”. Tuy nhiên, tôi thấy mình chỉ là một người bình thường. Bản thân Tuyết là lạnh chứ làm gì có lửa!
|
Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, ngăn chặn những lô hàng thực phẩm kém chất lượng vào TP.HCM, (Ảnh Hồ Nam) |
Từ khi chị về công tác ở đây, có vụ kiểm tra nào để lại dấu ấn khó phai và làm chị khiếp sợ?
- Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cửa ngõ khu vực đầu mối của đủ loại hàng lậu, từ thịt thối, heo bệnh, gà, vịt chưa kiểm dịch vận chuyển vào. Có nhiều vụ chở thịt bị bắt, chúng tôi không thể nào chịu nổi khi kiểm tra, bởi mùi thối bốc lên do thịt đang trong giai đoạn phân hủy. Thậm chí, có nhiều vụ, dòi bò lổm ngổm... Trong đó, phải kể đến vụ vận chuyển 13 tấn thịt heo, chân gà bằng xe đông lạnh bị bắt vào đầu tháng 5/2012. Khi tiến hành mở thùng kiểm tra thì mùi hôi thối xộc lên khiến mọi người ngột thở. Tuy nhiên, vì muốn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, anh em trong trạm vẫn phải xử lý đủ các khâu phòng dịch, sau đó cho vào túi để kịp thời tiêu hủy.
Cho đến nay, số lượng các vụ vi phạm vận chuyển thực phẩm thối có giảm dần. Đó không phải chỉ là thành quả của các trạm kiểm dịch mà là kết quả của sự kết hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, việc tuyên truyền của các kênh thông tin truyền thông. Và đặc biệt là ý thức của người dân ngày càng được nâng cao.
- Vậy các chủ hàng thường phản ứng như thế nào khi bị phát hiện sai phạm?
Thông thường mỗi khi bị phát hiện sai phạm, các chủ lô hàng tìm mọi lý lẽ để chối tội. Cho đến lúc “chỉ tận tay, day tận trán” thì họ mới thừa nhận sai phạm của mình. Tiếp đó, họ ra sức năn nỉ vì lần đầu sai phạm nên xin chúng tôi tha. Đến lúc không năn nỉ được cán bộ kiểm tra, họ sẵn sàng vung tiền để không bị lập biên bản và tiêu hủy. Tuy nhiên, các cán bộ kiểm tra ở đây tìm mọi cách giải thích cho họ về việc làm trái pháp luật của họ để họ cùng hợp tác xử lý nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Thế nhưng, điều đó không mấy dễ dàng.
Các chủ hàng chỉ vì lợi ích kinh tế mà có thái độ phản ứng tiêu cực sau khi bị xử phạt. Nhưng họ không bao giờ nghĩ đến hậu quả dịch bệnh mà họ mang đến cho cộng đồng lớn như thế nào.
“Tôi không nhớ hết từng bị “khủng bố” bao nhiêu lần”
- Chị có thể chia sẻ các phương thức, thủ đoạn lách luật qua mặt cơ quan chức năng của các đối tượng vận chuyển động vật trái phép mà chị từng chứng kiến?
Các đối tượng vận chuyển động vật hiện nay ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng đã ngụy trang những sản phẩm cấm vào thực phẩm như cá thịt. Bên cạnh đó, để chở số lượng lớn hàng lậu, các đối tượng tìm cách chia nhỏ hàng vận chuyển bằng xe máy, xe không biển số, không giấy tờ. Thậm chí, các đối tượng còn cho người đi thăm dò, nếu không thấy kiểm tra mới tuồn hàng vào. Nhiều trường hợp bị bắt đã bỏ của chạy thoát thân. Có kẻ còn dùng dao chọc tiết lợn đòi chém cán bộ kiểm dịch. Không chỉ vậy, họ còn sử dụng giấy kiểm dịch không hợp lệ, giấy giả để qua mặt các cơ quan chức năng. Để kiếm lợi nhuận "khủng"" từ những lô hàng lậu, các đối tượng luôn nghĩ ra rất nhiều chiêu trò nhằm "luồn lách" công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Công việc xử lý sai phạm vận chuyển sản phẩm động vật trái phép luôn có những nguy hiểm tiềm ẩn. Xin chị cho biết những nguy hiểm ấy là gì?
- Mỗi một công việc đều tiềm ẩn sự nguy hiểm khác nhau. Việc xử lý sai phạm đúng luật của chúng tôi sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác, đó là điều đương nhiên. Mất đi khoản tiền lớn, nhiều người tỏ ra tức giận. Không chỉ vậy, họ còn gọi điện, nhắn tin đe dọa giết tôi và gia đình. Không riêng gì bản thân tôi, có rất nhiều cán bộ kiểm dịch trong trạm cũng như các trạm kiểm dịch khác đều phải đối đầu với những lời đe dọa không thương tiếc. Thậm chí, họ còn lấy người thân của tôi ra để đe dọa, gây áp lực với công việc mà tôi đang làm. Cho đến nay, tôi không thể nào nhớ nổi mình đã bị đe dọa bao nhiêu lần.
Vậy gần đây nhất, chị bị đe dọa là khi nào?
- Đó là vào lúc 20 giờ ngày 31/3, khi tôi và một số cán bộ đang trực tại Trạm kiểm dịch Thủ Đức, thì có một người đàn bà, giọng miền Trung gọi đến đe dọa: “Mày phải con Tuyết không? Mày không sống được với bố đâu nhé”, rồi cúp máy. Trước đó, trong năm 2013, có hai số điện thoại lạ gọi đến đe dọa giết tôi và hai đứa con nhỏ đang đi học. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, đã năm lần đối tượng dùng số điện thoại lạ (sim khuyến mãi, sim rác) nhắn tin, đe dọa xử cả gia đình. Điều này khiến tôi rất lo sợ.
|
Trưởng trạm Kiểm dịch Thủ Đức Đặng Thị Tuyết. |
Sau mỗi lần bị đe dọa, tôi đều làm đơn trình báo CA quận 9, CA quận Thủ Đức, Chi cục Thú y TP.HCM để cầu cứu. Các cơ quan công an đều mời tôi đến xác minh và cử cán bộ điều tra nhưng vẫn không tìm ra đối tượng nhắn tin, de dọa tôi do các đối tượng sử dụng sim rác. Cho đến nay, tôi vẫn không nhận được văn bản trả lời chính thức về kết quả điều tra của cơ quan công an.
Chị có nghi ngờ cho đối tượng nào không?
- Không! Sau gần bốn năm làm việc tại trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, tôi đã xử lý hàng ngàn vụ, chủ hàng là người tứ xứ từ Bắc chí Nam, nên không thể nghi ngờ cho một người nào đó. Còn việc đối tượng đã đe dọa tôi đang ở đâu thì phải hỏi các nhà mạng. Bởi hiện nay, Nhà nước quản lý chủ thuê bao của các nhà mạng rất chặt chẽ. Vì vậy, chỉ cần số thuê bao đó có hoạt động thì sóng tín hiệu phát về các nhà mạng thể hiện chủ thuê bao đó là ai, đang ở đâu.
Có lúc nào chị thấy nhụt chí, sờn lòng không?
- Vì trách nhiệm công việc nên tôi vẫn cương quyết xử lý các sai phạm đúng quy định của pháp luật. Mặc dù, không tránh khỏi tâm lý sợ hãi nhưng được sự chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp, tôi luôn động viên mình phải cố gắng hết sức. Cố gắng để bảo vệ bản thân và gia đình. Đồng thời, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ lợi ích của cộng đồng và nói không với tiêu cực.
Xin cám ơn chị!