Tạp chí quân sự Military Watch đưa tin, máy bay cánh quạt Simorgh của Công ty Sản xuất Máy bay Iran (HESA) đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên vào ngày 31/5, dự kiến sẽ thay thế những chiếc C-130 do Mỹ sản xuất hiện đang giữ vai trò xương sống trong Không quân Iran.
Vào những năm 1970, Iran từng là khách hàng hàng đầu của máy bay quân sự Mỹ, song sau đó đã bắt đầu loại bỏ dần các khung máy bay của Washington và thay thế bằng các loại máy bay của Nga.
Máy bay vận tải Simorgh của Iran. Ảnh: Military Watch
Chuyến bay đầu tiên của Simorgh diễn ra tại thành phố Isfahan và được theo dõi bởi Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Iran Mohammad Bagheri. Được đặt tên theo một loài chim cổ đại trong thần thoại Ba Tư, chiếc máy bay này được ra mắt lần đầu tiên vào giữa năm 2022.
Theo báo cáo, Simorgh có hiệu suất mạnh mẽ, sở hữu tốc độ cao, trọng lượng nhẹ, sức chứa hàng hóa lớn và thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Iran.
“Chiếc máy bay được chế tạo từ các vật liệu công nghệ cao và được thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu của Iran cũng như các tiêu chuẩn và quy định quốc tế”, Chuẩn tướng Mohammad-Reza Ashtiani tuyên bố.
Cụ thể, Simorgh là phiên bản chuyển thể của An-140, là một dòng máy bay vận tải sử dụng động cơ cánh quạt chở khách do Antonov thiết kế.
An-140 là một trong những loại máy bay vận tải được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới và phục vụ không chỉ với lực lượng không quân mà còn với hải quân và quân đội của nhiều quốc gia
Chiếc Simorgh đã được sửa đổi để chiếc máy bay này có các tính năng dành cho mục đích quân sự. Máy bay sử dụng động cơ phản lực cánh quạt Klimov TV3-117 nhập khẩu từ Nga, có tải trọng 6 tấn và tầm bay khoảng 900 km (khi đầy tải).
Sự phát triển của Simorgh diễn ra sau khi Liên hợp quốc dỡ bỏ các lệnh cấm buôn bán vũ khí cuối cùng đối với Iran năm 2015. Điều này đã mở đường cho vũ khí của Iran cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Là một tài sản phi chiến đấu, Simorgh cũng có thể dễ dàng xuất khẩu hơn các loại thiết bị quân sự khác, bất chấp các mối đe dọa trừng phạt từ Washington nhắm vào các khách hàng tiềm năng muốn mua vũ khí của Iran.
Bên cạnh đó, Simorgh cũng có thể được sử dụng cho mục đích dân sự ở chính Iran cũng như ở nước ngoài, giống như C-130 đã có hơn mười quốc gia khai thác cho mục đích dân sự.
Đặc biệt, sự xuất hiện của Simorgh đã cho thấy sức mạnh của nền công nghiệp quốc phòng Iran. Mặc dù chịu nhiều cấm vận và khó khăn nhưng quốc gia này vẫn có thể tạo ra những điều bất ngờ.
Mộc Miên (Theo Military Watch)