The Times of Israel đưa tin, ngày 30/5, Iran tuyên bố quân đội nước này đã hoàn thành thử nghiệm một tên lửa siêu thanh mới có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ. Vũ khí này sẽ sớm được công bố trong thời gian tới.
Bức ảnh được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran công bố tháng 1/2021, cho thấy tên lửa được phóng trong một cuộc tập trận ở Iran. Ảnh: AP
Tướng Amir Ali Hajizadeh, người chỉ huy đơn vị hàng không vũ trụ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, cho biết sự phát triển này đánh dấu “một bước nhảy vọt trong lĩnh vực tên lửa” và tên lửa có thể cơ động cả trong và ngoài khí quyển.
Vị quan chức Iran nhấn mạnh, tên lửa này có thể bay ở tốc độ Mach 12-15 (nhanh gấp 12-15 lần tốc độ âm thanh, tương đương 14.800-18.500km/h).
Quá trình phát triển tên lửa siêu thanh của Iran được công cố lần đầu tiên vào tháng 11/2022. Thời điểm đó, ông Hajizadeh cho biết: “Vũ khí mới này có thể chọc thủng tất cả các hệ thống phòng thủ và sẽ phải mất hàng thập kỷ trước khi một hệ thống có khả năng đánh chặn nó được phát triển”.
Hiện các quốc gia như Mỹ và Israel đã phát triển và sở hữu những hệ thống phòng không được thiết kế để chống lại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, song khả năng theo dõi và hạ gục tên lửa siêu thanh vẫn còn là một câu hỏi.
Nếu tuyên bố của Iran là chính xác thì quốc gia này sẽ chính thức gia nhập vào cuộc đua siêu vượt âm với các cường quốc quân sự khác như Nga, Trung Quốc và Mỹ.
Thời gian qua, Nga đã triển khai tên lửa siêu vượt âm trong chiến dịch quân sự ở Ukraine - đánh dấu lần đầu tiên vũ khí dạng này được đưa vào tác chiến trên thế giới. Moscow hiện đã đưa vào biên chế dòng tên lửa Kinzhal (nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh) hay Avangard (nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh).
Trong khi đó, giới chức quân sự Mỹ nhiều lần thừa nhận Washington đang đi sau nhiều năm so với các đối thủ chiến lược trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm. Trong vòng 3 năm trở lại đây, Mỹ đã đầu tư hàng chục tỷ USD để phát triển vũ khí siêu vượt âm
Mộc Miên (Theo Times of Israel)