Không chỉ các học giả thế giới mà ngay cả các học giả Trung Quốc cũng không thể hiểu nổi dựa trên cơ sở nào mà chính phủ của họ tuyên bố chủ quyền ở “đường lưỡi bò”.
|
Học giả Trung Quốc: "Đường 9 đoạn không hề có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp lý”. |
Lúc này, khi Trung Quốc ngày càng hành xử quyết đoán hơn với các nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, thì mọi tiếng nói mang tính chất khoa học về "đường lưỡi bò" đều bị kiểm duyệt.
Tuy nhiên, Bộ ngoại giao Việt Nam đã ghi lại được những ý kiến sau đây của các học giả Trung Quốc tại Hội thảo mang tên “Tranh chấp Biển Đông, chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” được Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com tổ chức ngay tại Trung Quốc vào tháng 6/2012.
Tại Hội thảo này, ông Lý Lệnh Hoa, Trung tâm Thông tin Hải dương Trung Quốc nêu rõ: “Từ xưa đến nay, trên thế giới, không hề có đường biên giới trên bộ hay trên biển hư ảo. Đường 9 đoạn trên Nam Hải là một đường hư ảo. Tiền nhân của chúng ta đã vạch ra đường 9 đoạn không hề có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp lý”.
Ông Trương Thử Quang, Chủ tịch Hội đồng Học thuật, Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc, Giáo sư Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng: “Nội hàm của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 là phân định, bố cục lại vùng biển, để mỗi quốc gia ven biển đều có thể có 200 hải lý, thuận tiện cho các nước khai thác, sử dụng và quản lý biển, để toàn nhân loại đều hướng tới con đường cùng nhau giàu có. Đó cần là căn cứ cơ bản để chúng ta và các nước chung quanh giải quyết tranh chấp Nam Hải (Biển Đông). Nước ta là quốc gia đã ký Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 thì chúng ta cần phải xử lý mọi việc theo tinh thần Công ước, tỏ cho thiên hạ thấy sự thành tín của mình”.
Giáo sư Thời Đoạn Hoằng, thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng: “Toàn bộ Biển Đông thuộc về Trung Quốc ư? Gần đây, báo chí chúng ta cũng lập lờ về vấn đề này. Nếu nói toàn bộ Biển Đông là của Trung Quốc thì cả thế giới sẽ không chấp nhận đâu”.