Theo thống kê, Việt Nam hiện có 77,93 triệu người dùng internet, trong đó có 70 triệu người sử dụng mạng xã hội. Thời gian gần đây xảy ra không ít các sai phạm trên nền tảng này, trong đó có một bộ phận nghệ sĩ có những biểu hiện phát ngôn chưa chuẩn mực, những hành động chưa đẹp, vi phạm pháp luật hay trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng tiêu cực tới dư luận và xã hội.
Nhiều nghệ sĩ có biểu hiện sai phạm, quảng cáo sai sự thật. Ảnh: Báo Phụ nữ
Nghệ sĩ hoạt động trong showbiz thuộc quyền quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chính vì vậy, việc ban hành quy trình xử lý những trường hợp nghệ sĩ sai phạm sẽ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết.
Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do. Ảnh: Vietnamnet
Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm tất cả những nội dung liên quan, sau đó chuyển sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp thành quy trình chung, nhằm hạn chế sự xuất hiện của các nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật trên sóng truyền hình, báo chí và các sân khấu nghệ thuật biểu diễn.
Ngoài ra, ông Lê Quang Tự Do nói thêm, ở Việt Nam không sử dụng cụm từ “phong sát” như ở Trung Quốc, thay vào đó là “hạn chế”.
Trước đó, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã đưa ra bộ quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) với nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục được xây dựng theo hướng để đảm bảo nó được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan. Quy trình xử lý có sự phối hợp nhiều cơ quan liên quan, liên bộ để thẩm định về nội dung, tư tưởng… xác định sai phạm. Sẽ phải là tổ liên bộ vì trên không gian mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.
“Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm đến bước cuối cùng và thực hiện xin ý kiến các bộ, ngành. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chỉnh sửa lại và thực hiện các thủ tục để ban hành quy định”, ông Lê Quang Tự Do giải thích.
Đây là quy trình thí điểm, chưa từng có tiền lệ, do vậy, có lẽ cơ quan chủ trì soạn thảo đã có sự thận trọng trong việc xin ý kiến và thăm dò dư luận kỹ hơn để khi ban hành, quy định này sẽ thực sự đi vào đời sống.
Như Quỳnh (T/h)