Ngày 28/5, công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích sau khi rơi xuống "hố tử thần" trên Quốc lộ 3B, đoạn qua xã Kim Lư, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, vẫn được triển khai với sự hỗ trợ của nhiều đơn vị chuyên môn.
Danh tính nạn nhân được xác định là anh Nguyễn Duy Ph (36 tuổi, ở xã Kim Hỷ), VTC News thông tin.
Sau khoảng 10 giờ sử dụng các máy bơm dã chiến và máy bơm công suất lớn, đến nay, nước tại "hố tử thần" đã rút sâu. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy nạn nhân và xe máy.
Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân dưới "hố tử thần". (Video: Báo Bắc Kạn/VTC News)
Được biết, hố sụt xuất hiện từ cuối tháng 3, miệng hố rộng khoảng 10m, sâu 10-12m.
Khoảng 21h ngày 26/5, anh Nguyễn Duy Ph. lái xe máy chạy tốc độ cao đâm vào khu vực đang được rào chắn, cảnh báo nguy hiểm do xuất hiện hố sụt lún lớn. Sau đó, cả người và xe rơi xuống hố sâu.
Theo VTC News, ông Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Hiện chúng tôi đang chỉ đạo các lực lượng tính toán phương án phù hợp để tiếp tục công tác tìm kiếm cũng như yêu cầu các cơ quan chuyên môn nghiên cứu và tham mưu phương án xử lý hố sụt để đảm bảo an toàn cho người dân trong thời gian tới".
Trước đó, thiết bị camera chuyên dụng được dùng để dò tìm dưới hố sụt lún.
Tuy nhiên, do phía dưới hố có lượng bùn, rác lớn, kèm theo dòng chảy ngầm khiến tầm nhìn camera hạn chế (khoảng 25cm) nên rất khó quan sát, tìm kiếm.
Chính quyền địa phương và lực lượng chức năng cũng đã sử dụng 1 máy bơm lớn cùng 04 máy bơm dã chiến bơm rút nước khỏi hố sụt lún nhằm hỗ trợ việc tìm kiếm.
Cảnh sát xuyên đêm tìm kiếm nạn nhân dưới "hố tử thần".
Chia sẻ trên Vietnamnet, bà Hoàng Thị Thu Nguyệt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, đến 16h, công tác tìm kiếm nạn nhân rơi xuống 'hố tử thần' tại xã Kim Lư vẫn chưa mang lại kết quả.
“Hiện tại chúng tôi đang nghiên cứu các phương án khác, có thể sẽ tiến hành múc đất, đá từ dưới hố lên để hỗ trợ tìm kiếm”, bà Nguyệt cho biết thêm.
Hố sụt tiếp tục có diễn biến phức tạp, ngày càng sâu thêm, đồng thời xuất hiện thêm mạch nước ngầm mới.
Theo ông Dương Quang Thái (Ban Chỉ huy quân sự huyện Na Rì), địa hình tại khu vực hố sụt rất phức tạp với nhiều “hàm ếch” và độ sâu lớn, gây trở ngại cho công tác cứu hộ.
“Mạch nước ngầm chảy liên tục khiến việc bơm thoát nước gặp rất nhiều khó khăn”, ông Thái nói.
Theo đánh giá sơ bộ của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, hiện tượng sụt lún ở Bắc Kạn xảy ra tại khu vực phân bố đá trầm tích lục nguyên xen đá vôi hoặc dolomit, loại đá có gốc carbonat, dễ bị hòa tan trong điều kiện tự nhiên.
Phía trên các hố là lớp vật chất phong hóa gồm cát, cát pha, sét pha, có độ bền kém, trạng thái bở rời, dày từ 3 - 5m. Bên dưới là các tầng đá vôi màu xám, bị phong hóa và nứt nẻ mạnh, phát triển nhiều hang hốc karst chứa nước.
Theo cơ chế địa chất, nước mưa thấm xuống đất kết hợp với CO₂ trong không khí tạo thành axit yếu, từ đó hòa tan đá vôi theo thời gian.
Ban đầu chỉ là những khe nứt nhỏ, nhưng dần hình thành các khoang rỗng lớn trong lòng đất. Khi áp lực nước ngầm suy giảm, nhất là do khai thác nước dưới đất quá mức trần các hang rỗng dễ bị sụp đổ, gây sụt lún mặt đất, Tiền Phong thông tin.
(Ảnh: Báo Bắc Kạn, VTC News, Vietnamnet)