Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ xe máy lao xuống "hố tử thần" ở Bắc Kạn: Diễn biến mới nhất và hiện tượng địa chất "chưa có lời giải"

  • Hoàng Yên (T/h)
(DS&PL) -

Từ ngày 24/3 đến ngày 1/5 đã liên tiếp xuất hiện 7 hố sụt lún trên địa bàn thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư, huyện Na Rì. Hiện tượng này đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực.

Ngày 28/5, lực lượng chức năng đang tiếp tục chạy đua với thời gian, tìm kiếm nạn nhân nghi đi xe máy lao xuống "hố tử thần" tại thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.

Chưa thể tiếp cận vị trí nghi có người rơi xuống “hố tử thần”

Trước đó, khoảng 21h30 ngày 26/5, người dân thôn Hiệp Lực nghe thấy tiếng động lớn tại khu vực hố sụt lún nằm trên dải phân cách Quốc lộ 3B. Camera an ninh của hộ dân gần đó ghi lại hình ảnh một người điều khiển xe máy tốc độ cao, đâm vào hàng rào tôn cảnh báo và lao xuống hố. Được biết, đây là hố sụt lớn xuất hiện từ cuối tháng 3/2025, đường kính gần 10 mét, ngập đầy nước.

Nguồn: Vietnamnet

Trước đó, khoảng 200m³ đất đá được đổ lấp nhưng đã bị nước cuốn trôi hoàn toàn. Trong đêm 26/5, lực lượng chức năng huyện Na Rì đã tìm thấy một áo khoác và các mảnh vỡ xe máy dưới lòng hố. Tuy nhiên, do nước ngập sâu, địa hình phức tạp, nghi có mạch ngầm, nên công tác tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn và buộc phải đề nghị hỗ trợ của nhiều lực lượng, theo báo VOV.

Sáng 27/5, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Bắc Kạn đã có mặt tại hiện trường, phối hợp cùng quân đội, dân quân và chính quyền địa phương triển khai cứu nạn. Camera dò tìm dưới nước, sào tìm kiếm dài gần 20m và móc sắt đã được sử dụng nhưng không mang lại kết quả. 

Kết quả khảo sát cho thấy, cấu tạo địa chất tại khu vực là dạng Karst, đáy hố sâu, có hàm ếch, nhiều bùn lỏng và dòng chảy ngầm. Đến chiều 27/5, lực lượng chức năng đã huy động 5 máy bơm công suất lớn để hút nước, tuy nhiên đến đêm cùng ngày, việc tìm kiếm vẫn chưa tiến triển.

Đến tối 27/5, nước dưới hố được hút đến gần đáy, nhưng vẫn còn rất nhiều ở các vị trí hàm ếch xung quanh nên việc tìm kiếm chưa có kết quả. Ảnh: VOV

Theo báo Lao động, thời điểm 3h ngày 28/5, xung quanh điểm sụt lún được che chắn bằng mái lợp tôn, cắm biển cảnh báo, hạn chế người qua lại để đảm bảo an toàn trong quá trình cứu hộ.

Bên trong khu vực hố tử thần, lực lượng cứu hộ vẫn đang túc trực vận hành máy bơm công suất lớn để hút nước ra khỏi hố sâu khoảng 10m. Dù trời tối, nhóm cứu hộ vẫn liên tục kiểm tra thiết bị, thay phiên nhau vận hành bơm và theo dõi mực nước trong hố.

Anh Dương Quang Thái - Nhân viên cơ yếu, Ban Chỉ huy quân sự huyện Na Rì (Bắc Kạn) cho biết, quá trình triển khai tìm kiếm người mất tích tại hố tử thần hiện đang gặp một số vướng mắc, khó khăn.

"Điểm sụt lún rất lớn, bên dưới có nhiều nước, đá và một số vùng hàm ếch gây khó khăn lớn cho công tác tìm kiếm. Chúng tôi đã huy động máy bơm, nhưng chỉ hút được nước ở mức độ nhất định, trong khi nước tại đây vẫn còn rất sâu, khiến việc đẩy nước lên gặp nhiều hạn chế", anh Thái chia sẻ thêm.

Trong khi đó, ông Trương Quang Trọng - Chủ tịch UBND xã Kim Lư (Na Rì) cho biết, hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang tích cực triển khai các phương án tiếp cận sâu hơn vào lòng hố để xác minh vị trí nạn nhân.

Về phía huyện Na Rì đã chủ động thông tin cho đơn vị quản lý đường bộ thuộc Sở Xây dựng để báo cáo với tỉnh xem xét hỗ trợ lực lượng chuyên dụng để tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời chỉ đạo rào chắn, cử lực lượng chức năng bảo vệ khu vực xảy ra vụ việc và tiếp tục các phương án tìm kiếm cứu nạn.

Hiện tượng địa chất "chưa có lời giải"

Như tin tức đã đưa, từ ngày 24/3 đến ngày 1/5 đã liên tiếp xuất hiện 7 hố sụt lún trên địa bàn thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư, huyện Na Rì. Hiện tượng này đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực (xung quanh khu vực sụt lún có 21 hộ, 92 nhân khẩu tại thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư và khoảng 12 ha đất nông nghiệp).

Trước hiện tượng trên, ngày 14/5, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với hiện tượng hố sụt lún tại xã Kim Lư, huyện Na Rì.

"Hố tử thần" nơi nghi có người mất tích. Ảnh: Người lao động

Theo đó, UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu huyện Na Rì và ngành chuyên môn sử dụng các vật liệu, như: Đất, đá, bê-tông để lấp đầy các hố sụt; theo dõi hiện tượng sụt lún, kịp thời phát hiện dấu hiệu, khoanh vùng nguy hiểm; chủ động sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm nếu có; bố trí chỗ ở và bảo đảm hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán.

UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đề nghị các ngành chuyên môn làm việc với Viện Khoa học địa chất và khoáng sản để xây dựng đề án đánh giá nguyên nhân gây sụt lún, triển khai khắc phục sau khi đã xác định được nguyên nhân.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu huyện Na Rì và ngành chuyên môn có phương án chủ động sơ tán người và tài sản, có giải pháp xử lý khẩn cấp bước đầu bảo đảm an toàn cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Trong trường hợp vượt quá khả năng của địa phương thì báo cáo UBND tỉnh để xem xét chỉ đạo, thông tin trên được báo Người lao động đăng tải.

Chuyên gia địa chất nói gì?

Theo tờ Sức khỏe và Đời sống, các chuyên gia địa chất cho rằng, nguyên nhân hố tử thần ở Bắc Kạn giống hệt như những hố sụt ở nhiều địa phương khác. Bởi ở khu vực đó có hệ thống hang ngầm caster phức tạp. Nguồn gốc của hang ngầm caster là do núi lửa từng trào lên phun vào các đứt gãy, làm cho đá vôi bị chảy ra thành vôi hóa. Sau đó, bị nước rũa tạo thành hang ngầm caster rồi rỗng ra và bị phủ một lớp dung nhan núi lửa gần như đá ong ở trên mặt. Khi có sự tác động của các yếu tố dễ dẫn đến sập sụt.

TS Nguyễn Quốc Khánh và cộng sự Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản từng nghiên cứu về nguyên nhân xuất hiện hố tử thần ở Bắc Kạn. Trong đó, 3 nguyên nhân tự nhiên gồm: Cấu trúc địa chất của khu vực rất phức tạp với sự có mặt của nhiều loại đất đá bị phân cắt mạnh bởi các hệ thống đứt gãy; hệ thống karst ngầm phát triển mạnh với nhiều tầng hang karst khác nhau, tỷ lệ karst trung bình lên tới 15%; tầng đất phủ có thành phần là hỗn hợp sét pha, bột, cát gắn kết yếu, dễ bị rửa trôi xuống hệ thống hang karst ngầm bên dưới.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng sụt lún đất do việc hạ thấp mực nước ngầm của tầng chứa nước karst bởi quá trình bơm hút nước trong vùng. Kết luận này dựa trên kết quả khảo sát, tham khảo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học khác trên thế giới cũng như trên phân tích mô hình số.

Theo PGS.TS Trần Tân Văn, chuyên gia về địa chất khoáng sản, giải pháp duy nhất là phải điều tra khảo sát, khoanh vùng lại để cảnh báo. Việt Nam hầu như chưa thực hiện điều tra khảo sát sập sụt hang động. Hiện Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đang triển khai dự án điều tra khảo sát ở vùng một số tỉnh như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang... Nhưng để có một bản đồ cảnh báo hoàn thiện thì phải được thực hiện ở tất cả các vùng núi đá vôi. Khu vực vùng núi đá vôi, hàng ngầm… chiếm khoảng 40% diện tích toàn miền Bắc.

Việc lấp 'hố tử thần' từ trước đến nay chỉ được một thời gian ngắn, ở các vùng caster có các hố sụt như vậy đều có diễn tiến giống nhau. Chính quyền cần thực hiện ngay điều tra khảo sát, đánh giá quy mô hố sụt lớn hay nhỏ, nông hay sâu, từ đó có biện pháp phòng tránh. Còn nếu lấp lại rồi lại tiếp tục sinh sống trên 'hố tử thần' là không ổn vì nguy cơ vẫn còn.

Tin nổi bật