Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hé lộ quốc gia đầu tiên mua máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 của Nga

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Theo kế hoạch, những chiếc máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 đầu tiên sẽ chính thức đi vào hoạt động trong biên chế Không quân Algeria vào năm 2026.

Ngày 12/2, kênh truyền hình quốc gia Algeria đưa tin phi công nước này đang được huấn luyện vận hành tiêm kích tàng hình Su-57 tại Nga, sau khi quốc gia Bắc Phi ký hợp đồng đặt mua và trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của dòng máy bay này, theo VnExpress.

Theo một nguồn tin, Nga dự kiến bàn giao tiêm kích Su-57E - phiên bản xuất khẩu của dòng Su-57 - cho Algeria vào cuối năm nay nhưng không tiết lộ chi phí và số lượng cụ thể. Trong khi đó, một số nguồn tin tiết lộ Algeria có thể đặt mua 6 máy bay trong đơn hàng đầu tiên để đánh giá, sau đó ký đơn hàng lớn hơn trong tương lai.

Máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 Nga hạ cánh sau màn biểu diễn tại Ấn Độ ngày 12/2. Ảnh: UAC

Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport hôm 10/2 cũng thông báo sẽ bàn giao tiêm kích Su-57E cho khách hàng nước ngoài trong năm nay nhưng không tiết lộ danh tính cụ thể. Trước đó, vào tháng 11/2024, Tổng giám đốc Rosoboronexport Alexander Mikheev cho hay "Nga đã ký hợp đồng đầu tiên để bán tiêm kích Su-57 ra nước ngoài".

Nga từ lâu đã cung cấp những khí tài quan trọng cho không quân Algeria, trong đó có 63 tiêm kích Su-30MKA, 40 tiêm kích MiG-29 thuộc các biến thể, 42 cường kích Su-24 và 16 máy bay huấn luyện Yak-130. Ngoài ra, Algeria đang vận hành 33 trực thăng vũ trang Mi-24 và 42 trực thăng tấn công Mi-28NE.

Việc Algeria đặt mua Su-57 được coi là một phần trong chiến lược hiện đại hóa quân đội của nước này, nhằm duy trì ưu thế trên không trong khu vực và tăng cường khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa tiềm tàng, theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống.

Theo kế hoạch, những chiếc Su-57 đầu tiên sẽ chính thức đi vào hoạt động trong biên chế Không quân Algeria vào năm 2026.

Su-57 là dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm do tập đoàn Sukhoi phát triển, được thiết kế để cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ như F-35 Lightning II của Mỹ và J-20 của Trung Quốc. Điểm nổi bật của Su-57 nằm ở khả năng tàng hình, siêu cơ động và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến.

Máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 tại Triển lãm hàng không vũ trụ Aero India 2025. Nguồn video: RT

Trong nhiều năm qua, Nga đã tích cực quảng bá Su-57 ra thị trường quốc tế, với tham vọng cạnh tranh với các dòng máy bay phương Tây. Moscow từng tìm cách thu hút các khách hàng tiềm năng như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Thậm chí, vào năm 2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân giới thiệu Su-57 với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có thỏa thuận nào được ký kết với các quốc gia này, khiến Algeria trở thành khách hàng quốc tế đầu tiên đặt mua dòng máy bay chiến đấu tối tân này.

Mặc dù các điều khoản cụ thể của hợp đồng giữa Algeria và Nga không được tiết lộ, một số nguồn tin cho biết phiên bản xuất khẩu của Su-57 có mức giá "rẻ hơn đáng kể" so với F-35, giúp nó trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với nhiều quốc gia đang tìm kiếm máy bay chiến đấu thế hệ mới.

Được NATO gọi là “Felon”, Su-57 là một máy bay chiến đấu đa nhiệm có khả năng thực hiện nhiều vai trò như chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất, trinh sát và tác chiến điện tử.

Máy bay có tốc độ tối đa Mach 2,45 (khoảng 2.600 km/h), tầm bay 1.800 km (có thể mở rộng với tiếp nhiên liệu trên không) và tải trọng tối đa lên tới 37.000 kg.

Đặc biệt, Su-57 sở hữu hệ thống radar mảng pha chủ động Sh121 AESA, cho phép phát hiện và tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc trong khi vẫn duy trì khả năng tàng hình trước radar đối phương.

Ngoài ra, Su-57 còn được trang bị hai động cơ phản lực mạnh mẽ với hệ thống đẩy vector, giúp máy bay này có khả năng cơ động vượt trội trong không chiến.

Hệ thống vũ khí của Su-57 chủ yếu được bố trí bên trong thân để giảm tín hiệu radar, bao gồm pháo 30mm GSh-30-1, các khoang vũ khí có thể mang theo nhiều loại tên lửa không đối không, không đối đất, cùng khả năng triển khai vũ khí hạt nhân.

Phiên bản xuất khẩu Su-57E dường như sở hữu một số điểm khác biệt với phi cơ nội địa Nga, trong đó có hệ thống nhận diện địch - ta. Nhà sản xuất cũng có thể chỉnh sửa phần mềm điều khiển để hiển thị thông số chuẩn phương Tây, dán nhãn tiếng Anh cho các bộ phận trong buồng lái và bổ sung khả năng sử dụng vũ khí không phải của Nga theo yêu cầu khách hàng.

Tin nổi bật