CBS News đưa tin, ngày 12/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết một thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga phải bao gồm các đảm bảo an ninh cho Ukraine, nhưng "không nên được cung cấp thông qua tư cách thành viên NATO, mà thay vào đó phải có sự hỗ trợ của quân đội châu Âu và ngoài châu Âu có năng lực".
Ông Hegseth tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ không đưa quân tới để tham gia nhiệm vụ bảo đảm hòa bình cho Ukraine sau bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào đạt được với Nga, đồng thời nhận định "sẽ là không thực tế" khi nghĩ rằng Ukraine có thể quay trở lại đường biên giới trước năm 2014.
"Chúng ta phải bắt đầu bằng cách thừa nhận việc quay trở lại biên giới Ukraine trước năm 2014 là một mục tiêu không thực tế. Mỹ không tin rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine là kết quả thực tế của một giải pháp thương lượng", ông Hegseth nói.
Các tuyên bố được đưa ra không lâu trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng ông đã đồng ý với Tổng thống Nga Vladimir Putin để bắt đầu đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine, trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Nga cùng ngày.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth. Ảnh: Getty
Bên cạnh đó, ông Hegseth cho biết Tổng thống Trump "có ý định chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine này bằng con đường ngoại giao và đưa 2 bên ngồi vào bàn đàm phán".
Phát biểu tại Phòng Bầu dục vào cuối ngày 12/2, Tổng thống Donald Trump xác nhận ông vừa có cuộc điện đàm hiệu quả với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.
Theo chủ nhân Nhà Trắng, ông đồng tình với quan điểm loại bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO khỏi bàn đàm phán. "Tôi nghĩ nó (tham vọng gia nhập NATO của Ukraine) không thực tế", ông nói.
Ông cũng cho rằng Ukraine khó có thể khôi phục lại lãnh thổ như trước năm 2014.
Những quan điểm nêu trên được đánh giá là một sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ đối với Ukraine nói riêng và châu Âu nói chung dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ 2.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Quan điểm mà ông Hegseth đưa ra về Ukraine là một sự thay đổi lớn so với lập trường của chính quyền ông Joe Biden tiền nhiệm cũng như của nhiều nước đồng minh thân cận nhất với Kiev khi họ luôn tuyên bố ủng hộ Ukraine và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của toàn vẹn lãnh thổ.
Do đó, các tuyên bố trên có thể làm tiêu tan hy vọng ở Ukraine. Kiev nhiều lần nêu rõ, hòa bình chỉ đạt được khi Nga rút hết quân, khôi phục toàn bộ lãnh thổ trước năm 2014 cho Ukraine. Ngoài ra, Ukraine cũng không có ý định từ bỏ tham vọng gia nhập liên minh quân sự NATO.
Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Fox News, ông Trump đã thảo luận về nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm chấm dứt chiến tranh. "Ukraine có thể đạt được thỏa thuận, hoặc có thể không đạt được thỏa thuận. Họ có thể trở thành một phần của Nga vào một ngày nào đó, hoặc không".
Khi được hỏi về bình luận của ông Trump, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Một bộ phận đáng kể của Ukraine muốn thuộc về Nga và thực tế không thể phủ nhận là họ đã thuộc về Nga”.