Với dàn vũ khí khủng, 'quái vật 1.000 tấn' khi đó được kỳ vọng sẽ giúp lãnh đạo Đức Quốc xã tiến gần hơn tới âm mưu thống trị trong Thế chiến 2.
Siêu tăng 'quái vật' 1.000 tấn của Hitler
Ảnh: Getty |
Landkreuzer P1000 Ratte là mẫu xe tăng lớn nhất từng được phát xít Đức phát triển. Giống như tên gọi của mình, nó có trọng lượng 1.000 tấn được trang bị tới 13 pháo gồm 2 pháo chính 280mm, 1 pháo 128mm, 8 pháo 20mm và 1 pháo 15mm. Và để vận hành Landkreuzer P.1000 Ratte các thiết kế sư Đức định trang bị cho mẫu xe tăng tám động cơ diesel có công suất 17.000 mã lực.
Với kíp lái được dự tính có thể lên tới 40 người cùng với dàn vũ khí khủng, 'quái vật' này khi đó được kỳ vọng sẽ giúp lãnh đạo Đức Quốc xã tiến gần hơn tới âm mưu thống trị trong Thế chiến 2.
Ratte được bọc trong lớp giáp dày từ 150-360 mm. Điều này sẽ giúp nó trở nên trơ lỳ trước các đòn tấn công từ bất cứ loại vũ khí của quân Đồng minh.
Ratte được đánh giá là rất mạnh nếu đưa ra chiến trường và chỉ có các loại chiến hạm có pháo cỡ nòng cùng với nó mới có thể xuyên thủng lớp giáp.
Máy bay ném bom Me 264
Ảnh: RT |
Sau khi Mỹ tham gia ném bom nước Đức từ năm 1942, trùm phát xít Adolf Hitler quyết định triển khai Dự án 1061, sử dụng bom bẩn với thành phần là vật liệu phóng xạ để nhắm vào lãnh thổ Mỹ, theo War History.
Việc này được giao cho Wilhelm Emil "Willy" Messerschmitt, cha đẻ của tiêm kích Bf 109 và Me-262. Các kỹ sư dưới quyền Messerschmitt đã chế tạo một nguyên mẫu có tên Me-264. Khi họ cho rằng nó đáp ứng được yêu cầu, chính quyền phát xít Đức quyết định chế tạo 6 chiếc Me-264 tại nhà máy Lechfeld ở Bavaria.
Tuy nhiên, chiến dịch ném bom rải thảm của quân Đồng minh năm 1943 đã xóa sổ cả hai nguyên mẫu máy bay cùng nhiều kỹ sư đang làm việc trên đó, cũng như nhiều nhà máy và thành phố Đức.
Sturer Emil
Ảnh: revolvy.com |
Trong Thế chiến thứ II, phát xít Đức đã phát triển nhiều kiểu loại pháo chống tăng tự hành có sức mạnh đáng sợ nhằm chống lại lực lượng xe tăng của Liên Xô và quân đồng minh. Pháo chống tăng tự hành Sturer Emil phát triển trên cơ sở xe tăng hạng trung VK 30.01 (H) với lớp giáp dày 15-50mm, trang bị pháo chính 128mm PaK 40 L/61. Chỉ có hai chiếc được chế tạo trong năm 1942.
Trong Thế chiến thứ 2 và Emil chỉ là một mẫu thí nghiệm được lắp trên khung tăng Henschel VK30.01. Emil có hiệu quả vô cùng lớn và chi phí không quá đắt đỏ nhưng việc thiếu nguyên liệu sản xuất và Thế chiến thứ 2 kết thúc là lý do ngăn cản Đức Quốc xã sản xuất hàng loạt loại vũ khí này.
I-400- tàu ngầm lớn hơn sân bóng đá của Nhật
Ảnh: Getty |
Những ngày này cách đây 70 năm, hải quân Mỹ đang đưa một vũ khí cực kỳ bí mật của quân đội Đế quốc Nhật Bản từ Sasebo tới Trân Châu Cảng (Hawaii) để tránh công nghệ tối tân này lọt vào tay Liên Xô, sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng.
Vũ khí bí mật đó là tàu ngầm I-400, một trong những loại vũ khí lớn nhất, nguy hiểm nhất thời kỳ Thế Chiến II, được Nhật chế tạo với tham vọng đưa chiến tranh đến trước thềm nước Mỹ, đảo ngược tình hình cuộc chiến đang dần đến hồi kết, Stars and Stripes đưa tin.
Chiếc tàu ngầm I-400 đầu tiên được chế tạo thành công vào năm 1944, trở thành tàu ngầm lớn nhất thế giới thời đó với chiều dài gần 122 mét, hơn cả một sân bóng đá tiêu chuẩn, với lượng giãn nước khi nổi là 3.530 tấn.
Điểm độc đáo là bên trong tàu ngầm có một khoang trống chống thấm nước dài 35 mét, đường kính hơn 3,5 mét, chứa được tới ba chiếc máy bay ném bom M6A1 Seiran (Bão tố từ bầu trời trong).
Tàu ngầm I-400 chở theo 157 sĩ quan, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật và phi công. Nó được thiết kế kiểu thân đôi để có thể chịu được trọng lượng của ba chiếc máy bay ở phía trên. "Đây là loại tàu ngầm duy nhất có thể mang theo máy bay chiến đấu. Không hề có bất cứ loại nào tương tự như vậy", ông Ando nói.
I-400 được trang bị 8 ống phóng ngư lôi, một khẩu súng máy cỡ 12,7 ly trên boong, một pháo phòng không 25 mm, và ba khẩu pháo ba nòng 25 mm A/A gắn trên nóc khoang để máy bay.
Để tăng khả năng ẩn mình, tàu ngầm I-400 được phủ một lớp cao su khiến nó trở nên "vô hình" trước các thiết bị thủy âm của phe Đồng minh. Công nghệ vốn được Nhật Bản sử dụng để mài kiếm đã được áp dụng khi chế tạo tàu ngầm nhằm đảm bảo độ kín nước tối đa.
Chó cảm tử - nỗi kinh hãi tột độ cho quân Đức Quốc xã trong Chiến tranh Vệ quốc
Ảnh: RBTH |
Khi quân phát xít Đức tiến vào thủ đô Matxcơva năm 1941, quân đội Liên Xô đang rơi vào tình trạng gần như vô vọng vì thiếu các vũ khí chống tăng hiệu quả. Trong nỗi tuyệt vọng, các nhà khuyển học đề xuất dùng chó quân sự được huấn luyện đeo bom tới làm nổ tung xe tăng của quân địch.
Trong những năm đầu Thế chiến II, chiến thuật dùng chó đeo bom để tấn công xe tăng của Liên Xô trở thành mối đe dọa lớn đối với quân đội Đức Quốc xã. Súng máy trên xe tăng Đức có tầm ngắm cao và khó có thể bắn trúng các chú chó cảm tử chạy dưới thấp, khi đó lính xe tăng Đức buộc phải mở tháp pháo ngoi lên để bắn các con vật đang lao tới. Tuy nhiên, những con chó được huấn luyện thường chạy nhanh, ngoằn nghèo nên rất khó để bắn trúng.
Năm 1935, đơn vị chó chống tăng đã chính thức được thành lập trong quân đội Liên Xô và chúng cũng được tham gia cuộc diễu binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ năm 1938. Nhưng tới năm 1941, chúng mới chính thức được triển khai ở tiền tuyến.
Tới cuối năm 1941, hơn 1.000 con chó chống tăng đã được đưa ra tiền tuyến và 1 năm sau, con số này đã vượt quá 2.000.
Vào ngày 21/7/1942, những chú chó cảm tử đã mang về chiến công lớn cho quân đội Liên Xô trong một trận đánh gần Taganrog trên Biển Azov. Tiểu đoàn chó chống tăng số 28 do thượng úy Anatoly Kunin chỉ huy đã tiêu diệt được 63 xe tăng của quân đội của Đức Quốc xã cùng khoảng 500 tên địch.
Mộc Miên (T/h)