Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hậu quả khôn lường khi võ sư chuyển sang... hành nghề "bác sĩ"

(DS&PL) -

Để người cai nghiện nghe lời, chủ cơ sở cai nghiện tự phát đã tát, đấm và cầm đầu nạn nhân đập vào tường, xích một chân… Hậu quả, nạn nhân tử vong ngoại viện.

Để người cai nghiện nghe lời, chủ cơ sở cai nghiện tự phát đã tát, đấm và cầm đầu nạn nhân đập vào tường, xích một chân… Hậu quả, nạn nhân tử vong ngoại viện.

Cách cai nghiện chẳng giống ai

TAND huyện Thanh Trì, Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Vô ý làm chết người đối với bị cáo Lê Đình Vinh (SN 1971; trú tại xã Tựu Liệt, Thanh Trì, Hà Nội). Bị hại trong vụ án là anh Nguyễn Văn Đ. (SN 1997, đã mất).

Quá trình mở tòa, ông N.V.K, bố của bị hại đau khổ trình bày: Ngày 4/7/2019, gia đình ông K. đưa con trai đi khám tại bệnh viện Bạch Mai, tại đây xét nghiệm nước tiểu và máu cho kết quả anh Đ. dương tính với cần sa.

Mong muốn cứu lấy đứa con thoát khỏi nàng tiên nâu, ông K. qua một vài mối quan hệ đã liên hệ và đưa con đến nhà bị cáo Lê Đình Vinh để cai nghiện vào ngày 06/7/2019.

Vinh trao đổi, để việc điều trị có hiệu quả, ông K. phải để anh Đ. ăn ở tại nơi khám chữa bệnh trong vòng ba tháng, chi phí tiền ăn ở mỗi tháng là 15 triệu đồng còn tiền thuốc thì qua quá trình điều trị, anh Đ. dùng thuốc gì sẽ trả sau.

Ông K. nói thêm, tối 6/7/2019, ông có gọi điện cho bị cáo Vinh để hỏi tình hình sức khỏe của con thì được Vinh thông tin lại “cháu Đ. khỏe mạnh, ngoan”. “Vậy mà không hiểu sao, sang ngày mùng 7, Vinh lại đánh con tôi ra nông nỗi này”, ông K. nói.

Toàn cảnh phiên xét xử.

Trả lời thẩm vấn HĐXX, bị cáo Vinh thừa nhận cơ sở của mình không có giấy phép hoạt động ngành nghề cai nghiện ma túy, bản thân là võ sư, không phải bác sĩ.

Lý do bị cáo nhận cai nghiện là trước đó bị cáo đã làm tại nơi quản lý, giáo dục những người nghiện ma túy và từng cai nghiện cho hơn 1.000 người. Để xảy ra hậu quả đáng tiếc như trên, bị cáo không hề mong muốn.

Kể lại sự việc, bị cáo Vinh cho hay, y trông coi các bệnh nhân ở tầng 3 tại nhà. Ngày 06/7/2019, anh Đ. được bố mẹ đưa đến, bị cáo đưa anh Đ. lên tầng 3 ở cùng 2 người cai nghiện khác.

Tối ngày 7/7, anh Đ. không ăn được, uống sữa bị nôn nên đã đề nghị Vinh gọi bác sĩ khám và truyền nước nhưng Vinh không gọi. Vinh cho rằng Đ. đang “cò quay” và nhiều người cai thời điểm đầu đều có biểu hiện như trên.

Chính vì cho rằng anh Đ. “cò quay” nên Vinh đã phải áp dụng biện pháp mạnh. “Để anh Đ. nghe lời điều trị, bị cáo đã khóa cửa tầng 3 rồi tát, đấm và cầm đầu Đ. đập vào tường, xích một chân Đ.”, Vinh thừa nhận.

Sáng 8/7/2019, anh Đ. vẫn không ăn được và tiếp tục đề nghị Vinh đưa đi bệnh viện nhưng Vinh không đưa.

Chiều cùng ngày, thấy anh Đ. có biểu hiện nặng, lúc này Vinh mới gọi người đưa anh Đ. vào bệnh viện đa khoa huyện Thanh Trì cấp cứu. Đồng thời, bị cáo gọi điện cho bố mẹ anh Đ. thông tin về việc con phải nhập viện.

Tuy nhiên, tại bệnh viện, các bác sĩ xác định anh Đ. tử vong ngoại viện.

Trả lời HĐXX, một nhân chứng cho biết, bị cáo Vinh yêu cầu Đ. đi tắm 2-3 lần, có lần vào 1 giờ sáng. Lần tắm cuối, Đ. không dội nước lên người, bị cáo Vinh đã dùng nước dội vào người Đ.. Sau khi ra khỏi phòng, Đ. bị co quắp.

Trả hồ sơ điều tra bổ sung

Là người bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân cho biết: Mặc dù sự việc xảy ra lâu, nhưng chỉ khi Văn phòng luật sư Vì Dân gửi văn bản đến Giám đốc Công an TP Hà Nội, viện KSND TP. Hà Nội thì cơ quan điều tra mới khởi tố.

Luật sư còn chỉ ra, vụ án có dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng, dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, cố tình thay đổi nội dung vụ án.

Trong khi bị cáo thừa nhận để anh Đ. và 2 người cai nghiện khác ở trên tầng 3 thì tại biên bản khám nghiệm hiện trường vào 21h ngày 08/7/2019 lại khám nghiệm tầng 2.

Tại bản cáo trạng nêu rằng khi khám nghiệm hiện trường có thu giữ vật chứng là sổ khám bệnh của Đ. ở bệnh viện Bạch Mai và thuốc do bệnh viện Bạch Mai kê. Tuy nhiên, trong biên bản khám nghiệm hiện trường, phần dấu vết, nội dung lại để trống. Vậy, sổ khám bệnh, vỉ thuốc thu ở đâu, thu thế nào, niêm phong, bảo quản ở đâu? – Đó là câu hỏi luật sư nêu ra.

Trong giám định cơ chế sốc ngược thức ăn từ thực quản vào phế quản dẫn tới ngạt thở mà chết. Tuy nhiên, cái gì dẫn đến sốc ngược thức ăn thì không được nêu rõ…

Với nhiều vi phạm tố tụng nêu trên, luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra làm rõ về biên bản hiện trường, bản ảnh hiện trường, sơ đồ hiện trường vì khám nghiệm hiện trường tại tầng 2 còn việc thực tế xảy ra là ở tầng 3.

Ý kiến của luật sư đã được HĐXX chấp thuận. Kết quả, sau khi nghị án, tòa cấp sơ thẩm nhận thấy cần phải làm rõ thêm biên bản khám nghiệm hiện trường, bản ảnh khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường cũng như làm rõ các vết thương trên cở thể anh Đ. có mối quan hệ nhân quả gì với cái chết của nạn nhân hay không. Do vậy, HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Tư Viễn

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (8)

Tin nổi bật