Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hành trình gian nan của nghề dạy trẻ tự kỷ

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Mỗi trẻ ý thức được hành động của mình, biết ngoan ngoãn ăn cơm, biết gọi tiếng cô… là món quà lớn nhất dành cho những nữ giáo viên tại trường Mầm non chuyên biệt Biển Dương nhân ngày 20/11.

(ĐSPL) - Mỗi trẻ ý thức được hành động của mình, biết ngoan ngoãn ăn cơm, biết gọi tiếng cô… là món quà lớn nhất dành cho những nữ giáo viên tại trường Mầm non chuyên biệt Biển Dương nhân ngày 20/11.
Gian nan nghề dạy trẻ tự kỷ
Cô giáo Nguyễn Thị Thu, trường Mầm non chuyên biệt Biển Dương, số 21 Ngư Hải, TP Vinh (Nghệ An) cho biết, chị vào nghề từ năm 2009, đã dạy rất nhiều trẻ đặc biệt, nhưng đến nay vẫn có nhiều trăn trở với nghề.
“Không có một giáo án nào chung cho các trẻ đặc biệt này, các cô giáo phải tùy vào tình trạng của từng em cộng với kinh nghiệm riêng để giúp các em phát triển ý thức và tư duy. Vì thế, đòi hỏi các giáo viên phải có lòng nhiệt tình, chịu khó và đồng cảm với các học sinh”, cô Thu chia sẻ.
Dạy trẻ vốn được xem là một công việc đầy khó nhọc, nhưng dạy trẻ tự kỷ còn khó nhọc hơn nhiều. Bởi, công việc này đòi hỏi người giáo viên không chỉ có chuyên môn vững mà còn phải có lòng thương yêu và đầy tinh thần trách nhiệm.
Cô chăm sóc trẻ ở lớp chim non. Ảnh L.T
Chỉ những người trong nghề mới thực sự thấu hiểu được nỗi khó nhọc của việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ tự kỷ. Đối với trẻ bình thường có thể hướng dẫn vài lần là các em biết cách làm, nhưng đối với những trẻ đặc biệt này hướng dẫn 100 lần, thậm chí lặp đi lặp lại trong vài tháng cũng chỉ mới biết những cử chỉ cơ bản.
Bởi, mỗi trẻ tự kỷ có một hoàn cảnh riêng, có một thế giới riêng, có hành vi và cảm nhận khác nhau, vì thế để có thể giúp các trẻ ý thức được xã hội, hòa nhập với cộng đồng thì phải có phương pháp và chương trình dạy khác nhau. Thử thách quá lớn ấy khiến nhiều cô giáo đã có khi nản lòng. Đặc biệt, các cô phải chạy đua thời gian cùng với sự phát triển của trẻ để các em được can thiệp một cách tích cực trong giai đoạn “vàng”.  Chính vì vậy, nhiều giáo viên cảm thấy áp lực nặng nề. Thế nhưng, khi các em có sự chuyển biến tốt, biết gọi cô, biết chỉ tay, biết ăn cháo, biết đi vệ sinh… lại là món quà lớn nhất giành cho các cô.
Cô Nguyễn Thị Thu chỉ vào một bé được mẹ đến đón: “Lúc em mới được đưa đến đây chưa thể nói gì, hỏi gì cũng lắc đầu, sau 6 tháng ròng rã tập nói, gia đình đã bật khóc khi em có thể gọi được những từ đơn giản như: bố, mẹ… và giờ thì đã nói được rất nhiều từ đôi, từ ba và có thể giao tiếp được với các bạn”.
7 lần khóc nhưng không bỏ nghề
Gần 6 năm với nghề, cũng được xem là có kinh nghiệm, thế nhưng cô Thu cũng đã phải khóc tới... 7 lần vì áp lực công việc và vì những trăn trở nghề nghiệp. Vậy nhưng chưa lần nào cô nghĩ mình sẽ chuyển công việc khác.
“Khi không giúp được gì cho sự phát triển của trẻ, tôi đã tự trách mình, cảm thấy mình kém cỏi. Nhiều lần tôi khóc thầm khi trẻ của mình mấy tháng rồi vẫn không thể tiến bộ dù là nhỏ, thậm chí trở về “mức số không” khi gia đình cho cháu nghỉ ở nhà một tuần. Thế nhưng, hôm sau đến lớp nhìn gương mặt cháu, tôi lại kiên trì dạy lại từ đầu”, cô Thu chia sẻ.
Gần 6 năm trong nghề thì đã có tới 7 lần cô Nguyễn Thị Thu rơi nước mắt.
Vất vả, khó khăn là vậy, nhưng các cô luôn cố gắng để hoàn thành tốt công việc, cố gắng hoàn thiện các phương pháp dạy trẻ riêng, ghi lại hành vi của trẻ, thực hiện cách dạy phù hợp với từng trẻ. Các cô còn dạy trẻ từ những kỹ năng nhỏ nhất như: há miệng, ngồi, chỉ tay,... cho đến tập ăn, tập nói, đi vệ sinh, nhận biết màu sắc, chữ cái, nghe lời người lớn và biết chơi với các bạn.
Cô Nguyễn Thị Lê chia sẻ: “So với đồng nghiệp thì tôi còn rất ít kinh nghiệm do mới vào nghề chưa đến một năm. Đến lúc này tôi cũng không lý giải được vì sao mình chọn công việc này. Những ngày đầu tiên khi bắt đầu công việc tôi cảm thấy rất khó khăn, nhưng nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn của các cô giáo khác mà tôi đã hoàn thành được công việc. Giờ đây, thấy mỗi trẻ có sự tiến bộ rõ rệt tôi cảm giác mình đã được đền đáp rất nhiều”.
Khi được hỏi kỷ niệm nào cô nhớ nhất trong gần một năm công tác tại trường, cô giáo Nguyễn Thị Lê kể, lúc mới vào nghề, cô được phân công tập ăn cho bé N.V.K, bởi em chẳng ăn một thức ăn nào, cứ đút vào là quậy phá. Vậy nên, cứ đến bữa ăn là cô trò lại “đánh vật” với nhau, sau khi ăn xong cô lại phải dọn dẹp ngay “bãi chiến trường” vừa bày ra nếu không các trẻ khác sẽ bốc cho vào miệng ngay. Kết thúc bữa ăn, cô trò tiếp tục cùng nhau vật lộn trong nhà tắm vì quần áo đã bị em bôi hết thức ăn lên người. Điều đáng nói, các trẻ tự kỷ thường tăng động giảm tập trung. Nhìn bề ngoài trẻ rất hiền lành, nhưng bên trong lại rất hung dữ, sẵn sàng cắn, cào, thậm chí là đánh cô giáo hoặc có những hành động gây hấn tự làm hại bản thân. Đối với những trẻ như vậy, các cô luôn phải có sự đánh giá, phân loại ngay từ đầu để áp dụng các phương thức dạy dỗ thích hợp. Cứ như vậy một cô một trò dạy đến khi trẻ thay đổi. Sự thay đổi này không giống với trẻ bình thường, đó chỉ là một hành vi nhỏ, một cử chỉ nhỏ, cũng là một sự thành công rất lớn và đối với các cô thì đó là cả một điều kỳ diệu.
Được biết, tại Nghệ An, hội chứng tự kỷ xuất hiện khá nhiều ở trẻ, nhu cầu các gia đình đưa con đến trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ là rất lớn. Để theo đuổi đến cùng sự nghiệp trồng người, những người giáo viên dạy trẻ đặc biệt này cần hơn ai hết sự kiên trì, tình yêu thương và lòng nhiệt huyết.

Tin nổi bật