Đây chính là tâm sự của một bà mẹ có con mắc chứng tự kỷ. Câu chuyện của cô được chia sẻ trên trang web parents.com.
Tôi hạnh phúc khi được làm mẹ của ba đứa con. Tuy nhiên, cậu con trai đầu lòng của tôi, bé Daanish, 10 tuổi, mắc chứng tự kỷ trầm trọng. Daanish không thể nói và thỉnh thoảng lại bị kích động. Bé không thể tâm sự với tôi tại sao lại đột nhiên buồn hay cáu giận. Mặc dù vậy, khả năng nhận thức của bé rất tốt và thực sự có sợi dây kết nối tình cảm với những người thân yêu. Việc nuôi dạy một đứa trẻ tự kỷ liên tục đặt ra những thử thách và là một người mẹ, tôi cũng trải qua biết bao cảm xúc vui, buồn lẫn lộn.
Buổi tối hôm trước
Giống như bao đứa trẻ bị tự kỷ khác, Daanish dần lớn lên mỗi ngày với những thói quen của bé. Khoảng 8h45 tối, tôi nhắc cháu mặc đồ ngủ (theo sự hướng dẫn hay trợ giúp của tôi), rửa tay, mặt và đi ngủ. Nhưng sau đó, có những khi bé khóc thét lên và tự đánh vào đầu. Tôi nằm cạnh bé, vỗ nhẹ vào lưng trong 5 phút hay thậm chí là vài giờ cho đến khi bé thực sự chìm vào giấc ngủ và thoát khỏi cảm giác mệt nhoài.
Buổi sáng trước khi đến trường
Tôi luôn là người thức dậy đầu tiên chuẩn bị bữa sáng, sau đó đánh thức bọn trẻ. Tôi gọi Daanish dậy trước bởi bé sẽ cần tôi giúp mặc quần áo, rửa mặt, đánh răng và đi giày.
Daanish và cô con gái nhỏ của tôi, Amal, sẽ mất 15 đến 18 phút để ăn sáng trước khi chiếc xe buýt của trường đến đón. Bữa sáng của Daanish luôn là một một phần bánh ngọt. Mỗi lần chúng tôi đi đến bến xe buýt, tâm trạng của Daanish thường tốt hơn bởi vì, bé thích được đến trường.
Một ngày ở trường học
Thời gian một đứa trẻ tự kỷ ở trường học là rất quan trọng, do vậy, việc đưa ra một chương trình giáo dục phù hợp cho trẻ là rất cần thiết. Đó là những vấn đề xoay quanh mối quan hệ giữa trẻ, bố mẹ, giáo viên và một “đội ngũ” bao gồm các chuyên gia về bệnh tự kỷ, phương pháp điều trị bệnh này,… Sau một năm học, tình trạng bệnh của Daanish cũng được cải thiện hơn. Bé thích đến trường hơn là ở nhà.
Sau khi trở về nhà
Khi chiếc xe buýt dừng lại, tôi (hoặc ông bà nội của bé) đón Daanish và đưa cháu vào nhà. Cách cư xử của cháu kể từ lúc xuống xe có thể luôn thay đổi trong vài tiếng sau. Bé sẽ vui hay buồn? Bé sẽ muốn được mọi người âu yếm hay ở một mình? Tôi sẽ quan sát những dấu hiệu để đoán biết bé sẽ muốn làm gì. Trước đây, sau khi xuống xe buýt, bé thường trở nên buồn bã, hay khóc và kêu đói. Nhưng sau này, dù vui hay buồn, Daanish đều đi thẳng vào trong nhà và tìm những chuỗi hạt – một thứ đồ chơi yêu thích của bé.
Những đứa trẻ tự kỷ thường có một thứ đồ mà chúng yêu thích, không chịu tham gia vào các trò chơi khác và thu mình lại. Chúng đều muốn ở một mình sau 7 tiếng trên trường học và tôi nghĩ Daanish cũng không ngoại lệ nên tôi để bé được làm những gì mình thích.
Dạy trẻ tự kỷ ở nhà
Những phương pháp điều trị tại nhà cũng rất hữu ích. Daanish đã học được những kỹ năng sống quan trọng, chẳng hạn như, cách hòa nhập với anh chị em trong nhà, đóng cúc áo, cho quần áo bẩn vào máy giạt và tự tắm.
Ngoài ra, chúng tôi đã gặp hai nhà trị liệu tuyệt vời. Họ đã dẫn Daanish đến cửa hàng bách hóa, nhà hàng, công viên và những nơi thú vị khác để dạy cháu cách tương tác xã hội, gọi món, trả tiền, chất đồ lên xe,…
Bữa tối quây quần bên gia đình
6h30 mỗi tối, Daanish sẽ đến xem tôi đang nấu món gì. Dạ dày cháu giống như một cái đồng hồ báo thức và luôn muốn ăn đúng giờ. Nếu bữa tối chưa được chuẩn bị, bé trở nên cáu giận. Bé cũng là một thực khách kỹ tính và có một chế độ ăn đặc biệt. Vì vậy, hầu như tối nào chúng tôi cũng nấu ăn tại nhà. Bữa ăn tối là khoảng thời gian rất quan trọng khi cả gia đình chúng tôi quây quần bên nhau. Tôi cũng dạy Daanish cách thu dọn bàn sau khi ăn xong và thường xuyên nhắc nhở cháu. Nếu bé thực sự tỏ ý không thích, tôi sẽ cố gắng giúp bé ăn.
Thư giãn trước khi đi ngủ
Sau bữa tối là khoảng thời gian thoải mái nhất trong ngày của tôi. Tôi thường kiểm tra lại mọi việc đã thực hiện trong danh sách: lũ trẻ đến trường đúng giờ, làm việc, sau khi bọn trẻ ở trường về, bữa tối và chuẩn bị kế hoạch cho ngày hôm sau.
Đôi khi, chúng tôi có khoảng 30 phút đến 1 tiếng để thư giãn và chơi đùa trước khi đi ngủ. Chúng tôi thường ngồi xem ti vi trong khi Daanish nghịch chuỗi hạt. Khi tôi dỗ dành Daanish, có thể bé sẽ lại gần và cùng chơi với mọi người. Đây là lúc tất cả chúng tôi cùng cố gắng để bé gắn kết hơn với các thành viên trong gia đình, chuẩn bị cho một ngày mới lại bắt đầu...