(ĐSPL) - Dự thảo phương án một kỳ thi THPT quốc gia thay cho kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học sẽ thực hiện vào năm 2015 đang đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
Có chuyên gia đã mổ xẻ, ngành giáo dục đang chọn “phương án dễ nhất” cho những cải cách của mình, đó là đổi mới thi cử. Trong khi đó, hai vấn đề cực kỳ quan trọng là đổi mới chương trình; đổi mới phương pháp dạy và học thì lại chưa làm được. Đổi mới thi cử được ví như thay đổi phần ngọn, đổi mới chương trình và phương pháp dạy mới là gốc. Ngọn thay đổi mà gốc chưa thay đổi thì vẫn chỉ là “giậm chân tại chỗ”?
Kỳ thi quốc gia - giải pháp “gỡ” cho giáo dục Việt Nam?
Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã công bố dự thảo phương án một kỳ thi THPT quốc gia thay cho kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học sẽ được thực hiện vào năm 2015.
Tiến tới một kỳ thi chung, bộ GD&ĐT đề xuất thi 8 môn trong 4 ngày. Thí sinh bắt buộc phải thi 4 môn trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Thí sinh nào có nguyện vọng thi thêm môn nào thì có thể đăng ký thi thêm để phù hợp với nhu cầu xét tuyển đại học.
Ngoài ra, phương án mới này còn chủ trương phương án tổng hợp, tiến tới dần tích hợp các môn thi tránh tình trạng học lệch, đồng thời vẫn phát hiện được năng khiếu của từng học sinh làm cơ sở cho việc tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Phương án bài thi gồm 8 môn: Toán, tin học; ngữ văn, sử, địa, giáo dục công dân; lý, hóa, sinh, công nghệ; ngoại ngữ đã được đề cập.
Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2015 theo phương án 2 là lựa chọn của đa số các trường đại học tại hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng năm 2014. Hầu hết lãnh đạo các trường đại học đều thống nhất việc tổ chức kỳ thi “hai trong một”, kết quả vừa để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng như chủ trương của bộ GD&ĐT đưa ra.
Đây được coi là một xu hướng tất yếu và theo nhiều chuyên gia, nó sẽ tiết kiệm và hạn chế được tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp, được cho là không nên tổ chức vì tỷ lệ đỗ hàng năm quá cao, 98\%. Đồng thời việc tổ chức 2 kỳ thi tốn kém, cồng kềnh. Câu hỏi đặt ra là liệu thực hiện theo kiểu “chạy nước rút” như chủ trương mà bộ GD&ĐT đưa ra có phải là một giải pháp tốt?
Liên quan đến đề án đổi mới trên, không chỉ các chuyên gia giáo dục cho rằng, chúng ta đang làm từ phần “ngọn” mà các nhà tâm lý cũng cho rằng, đổi mới giáo dục phải bắt nguồn từ gốc rễ - việc đổi mới sách giáo khoa, từ phương pháp giảng dạy và phải có một quá trình để các em học sinh, thầy cô tiếp cận được với chương trình, kiến thức mới. Lúc đó mới có thể thay đổi cách thức thi cử, đánh giá.
TS. Nguyễn Tùng Lâm - hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng: “Việc thi cử chỉ là một mấu chốt nhỏ trong quá trình học của các em học sinh. Vì thế, chúng ta không thể đột ngột thay đổi cách thi cử mà không đi từ vấn đề giảng dạy, đào tạo. Chúng ta không thể đổi mới và áp dụng ngay từ năm 2015 khi cả một thế hệ học sinh đang học và tư duy theo cách cũ. Đề án này chưa tính đến những hệ lụy của nó và rất khó thực hiện nếu chúng ta đặt lợi ích của học sinh lên trên hết, chứ không phải là những báo cáo thành tích”.
Cải cách vẫn loay hoay ở... “vạch xuất phát”!?
Trước đề xuất của bộ GD&ĐT, dư luận đặt câu hỏi đâu là một giải pháp tối ưu trong bối cảnh nền giáo dục nước nhà đang có quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Và đâu là cách đổi mới hữu hiệu để tránh được tình trạng nhà nhà, người người vào đại học mà tỷ lệ thất nghiệp không ngừng gia tăng và học sinh lại là đối tượng đưa ra làm những cuộc thí nghiệm không đầu không cuối?
Chia sẻ với PV, chị Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) thẳng thắn nói: “Chúng ta càng đẩy mạnh cải cách giáo dục lại quay về vạch xuất phát, học sinh đang trở thành chuột bạch thí nghiệm. Đây không phải lần đầu tiên bộ GD&ĐT đưa ra những phương án cải cách nền giáo dục khiến dư luận “giật mình thon thót”.
Cách đây không lâu, bộ GD&ĐT đưa ra những quyết định “mới nhưng rất cũ” như: Cấm dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1, cấm dạy ngoại ngữ cho trẻ mầm non, cấm dạy thêm, học thêm... Những quy định “mới” đó giúp con trẻ được thảnh thơi đôi chút, nhưng hình như cũng chỉ là đang đưa giáo dục quay trở về thời kỳ những năm đầu cải cách?”.
Cũng theo chia sẻ của chị Hà, lứa học trò sinh năm 1975, 1976 thế hệ đầu tiên được dạy chương trình cải cách giáo dục sau giải phóng có lẽ sẽ ít khi quên cái thời kỳ đi học tiểu học thời ấy. Chẳng biết mặt chữ là gì, cứ theo sổ hộ khẩu mà xếp lớp, nhận trường, bố mẹ cũng chẳng mấy khi vất vả chạy chọt cho con trường nọ trường kia.
Thậm chí, nhiều đứa không hề đi nhà trẻ, đồng nghĩa với chuyện làm gì có giấy chứng nhận tốt nghiệp mầm non mà vẫn được vào lớp 1. Nhưng bây giờ, nỗi lo của phụ huynh đè nặng sang con trẻ, để rồi chưa vào lớp 1, chiến dịch tìm trường, tìm cô ôn luyện đã bắt đầu ngay từ sau Tết. Vậy là học xong ở trường mầm non, chúng đã lại bị tống vào ngồi trong những căn phòng chật chội để luyện chữ, học đọc, học đếm.
Đồng tình với quan điểm của chị Thu Hà, nhiều ý kiến cho rằng, học sinh bây giờ quá vất vả, thậm chí mới chỉ vào lớp 1 được có một tuần, vì tuân thủ quy định của bộ GD&ĐT nhiều gia đình không cho con luyện chữ và học trước mà nhiều bé do mới bắt đầu làm quen với chữ viết đã bị cô giáo liệt vào dạng “cá biệt” vì chưa biết đọc và chép theo câu thơ trong sách? Chuyện đã từng xảy ra ở một trường tiểu học ở quận Ba Đình và cũng có thể đã xảy ra ở nhiều trường khác.
Thực tế cho thấy, dù các quy định của bộ GD&ĐT đưa ra tưởng như mới, giúp học sinh thời này có lại được niềm vui, sống đúng tuổi như lũ trẻ ngày xưa, song dường như giáo dục đi một con đường ngày càng xa rời thực tế. Vì thế có ý kiến cho rằng có những quy định đổi mới lại đưa việc cải cách quay về điểm xuất phát của mình.
Học sinh lo lắng không biết xoay xở ra sao khi áp dụng kỳ thi quốc gia- ảnh minh họa. |
Nỗi khổ của học sinh và hệ lụy cải cách đột ngột?
Quay trở lại đề xuất kỳ thi quốc gia, có không ít ý kiến trái chiều từ phía các bậc phụ huynh và học sinh, thậm chí, có ý kiến lên án, bộ GD&ĐT đang biến học sinh thành “chuột bạch”.
Một học sinh có nickname Tano Cần Thơ đã mạnh dạn viết ra những suy nghĩ thẳng thắn gửi tới Bộ trưởng bộ GD&ĐT với nội dung: "Em là một học sinh, sinh năm 1997 và sẽ bước vào kỳ thi đại học năm 2015. Trong thời gian gần đây, thông tin bộ GD&ĐT đề ra phương án thi mới sẽ gộp tốt nghiệp và đại học làm em và bạn bè hết sức hoang mang và vô cùng bức xúc. Trước giờ lứa học sinh sinh năm 1997 tụi em cứ ngỡ năm 2015 sẽ là năm thi đại học cuối cùng và chúng em đang dồn hết tâm huyết vào kỳ thi này nhưng sự thật lại trớ trêu không ai ngờ tới. Đất nước ta từ trước tới giờ vẫn theo kiểu "lối theo lối gió, mây đường mây", giáo viên dạy một lẽ và học trò học theo một lẽ khác. Thử hỏi, nền giáo dục nước nhà quá chú trọng vào lý thuyết, không chú trọng vào thực hành thì làm sao học sinh có thể phát triển một cách toàn diện được? Chính cách dạy của đa số giáo viên hiện nay đã biến những con người như chúng em trở thành những chú vẹt đủ màu sắc. Vì vậy tại sao Bộ lại yêu cầu chúng em phát triển toàn diện chứ?... Cái gì cũng vậy, nếu Bộ muốn đổi, muốn ra một đề án nào đó thì cần phải thông báo sớm cho học sinh chúng em biết, năm nay chúng em thi rồi còn thông báo kiểu này chúng em biết xoay xở ra sao?”.
Thiết nghĩ, với những tâm tư, trăn trở của học sinh ở trên, liệu các nhà giáo dục có nghĩ đến hệ lụy cải cách “đột ngột” mà các em sẽ vấp phải? Chỉ còn vài tuần nữa là khai giảng, dư luận chỉ mong “phương án tổ chức thi phải rõ ràng, công bằng, không nhiêu khê và phải tạo động lực cho học sinh” đúng như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng 2014 vừa qua.
Theo dự thảo, các trường đại học tuyển sinh như thế nào sau kỳ thi quốc gia?
Theo dự thảo các phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà bộ GD&ĐT công bố mới đây thì các trường ĐH, CĐ phải công bố thông tin về tuyển sinh trước kỳ thi quốc gia 6 tháng trên website của trường và cổng thông tin điện tử của bộ GD&ĐT. Các trường ĐH, CĐ cần chỉ rõ hình thức và mức độ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia trong việc tuyển sinh vào trường theo từng ngành học để học sinh biết và đăng ký thi.
Sau đó, các trường ĐH, CĐ sẽ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Cụ thể, các trường sẽ công bố phương thức tuyển sinh của trường mình, trong đó có các môn thi/bài thi của kỳ thi THPT quốc gia sẽ được dùng để xét tuyển đối với từng ngành đào tạo của trường và công bố môn thi/bài thi chính sẽ nhân hệ số điểm (nếu có) trong số các môn thi/bài thi xét tuyển đối với từng ngành đào tạo của trường.
Trên cơ sở kết quả kỳ thi THPT quốc gia, tùy thuộc tính đặc thù của từng ngành, nhà trường có thể bổ sung các hình thức kiểm tra năng lực khác như: Sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ, thi bổ sung,… theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ. Nếu trường nào không lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh thì phải làm đề án tuyển sinh riêng trình lên bộ GD&ĐT.
“Vấn đề của giáo dục Việt Nam là giáo dục đại học, chứ không phải ở giáo dục phổ thông”
GS. Ngô Bảo Châu: Chúng ta đang làm ngược với thế giới. |
Trước thềm hội thảo “Cải cách giáo dục đại học” diễn ra tại TP.HCM vừa qua, GS. Ngô Bảo Châu cho rằng: “Chúng ta đang làm ngược với thế giới... Vấn đề của giáo dục Việt Nam là giáo dục đại học chứ không phải ở giáo dục phổ thông. Tất nhiên phổ thông cũng có vô vàn vấn đề và những ai liên quan đều có cảm giác bất an. Nhưng đứng trên tầm quốc gia mà nhìn nhận thì giáo dục đại học mới là mảng cần nhiều sự thay đổi hơn”.