Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 1.600 vụ cháy nổ, gây thiệt hại về tài sản lên đến 1.000 tỷ đồng. |
Vào 21h ngày 18/10, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội gần 1.000m2 nhà xưởng, quán ăn, cửa hàng dịch vụ bị thiêu rụi sau 3 tiếng đồng hồ. Tất cả người dân, chủ cửa hàng, xưởng sản xuất đều bất ngờ, bị động.
Anh Phạm Văn Đạo, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Vào khoảng 8h45 phút, khi nghe tiếng nổ thì mọi người chạy ra ngoài xem, xung quanh bắt đầu hô cháy. Tuy nhiên, lúc này, anh em cũng không xác nhận được là cháy từ phía nào”.
Xem video: Mất kiểm soát trong phòng, chống cháy nổ:
Trước đó, 18h30 phút cùng ngày, một đám cháy dữ dội, lan rộng tại khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Dù lực lượng chức năng kịp thời xuất hiện, huy động 50 xe cứu hỏa nhưng ngọn lửa vẫn thiêu rụi toàn bộ nhà kho công ty gỗ Việt Hà rộng hơn 10.000m2.
Nói về công tác chữa cháy tại hiện trường, Thượng tá Đỗ Trí Dũng, Trưởng ban cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết: “Điều kiện thời tiết chữa cháy không thuận lợi, gió rất mạnh. Mặt khác, đây là kho tổng hợp về gỗ và các vật liệu dễ cháy. Do đó, đám cháy lan rất nhanh”.
Một trong những khó khăn khác mà cơ quan chức năng cho hay là khó tiếp cận vào vùng cháy do đường vào đã bị cản bởi các nguyên vật liệu của công ty Woodsland.
Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 1.600 vụ cháy nổ làm chết và bị thương 180 người, thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân lên đến 1.000 tỷ đồng.
Đặc biệt trong 2 ngày 17-18/10, liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy nổ lớn tại Hà Nội và TP HCM gây hậu quả nghiêm trọng . Trong đó, vụ nổ xảy ra tại xưởng sản xuất của công ty TNHH thương mại sản xuất phân bón Đặng Huỳnh tại TP HCM đã khiến 3 người chết, 5 người bị thương và 7 căn nhà bị sập. Đáng chú ý qua rà soát, khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ tại vị trí xảy ra nổ khoảng 500kg hóa chất là những tiền chất gây nổ.
Trao đổi về nguyên nhân hàng loạt vụ cháy nổ xảy ra liên tiếp gây nhiều hậu quả đáng tiếc, Thương tá Đỗ Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền – Cục cảnh sát PCCC và CNCH nói: “Ý thức của người dân cũng như của người lao động còn rất chủ quan, lơ là trong công tác phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng tại chỗ còn lúng túng khi xảy ra sự cố cháy nổ. Bên cạnh đó, việc phát hiện cháy, cũng như báo cháy cho lực lượng phòng cháy chữa cháy còn chậm”.
Thương tá Đỗ Thanh Hải cho rằng nguyên nhân để xảy ra cháy nổ là do ý thức của người dân còn chủ quan. |
Một ngày, sau vụ cháy tại đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội, sự kinh hoàng, hẫng hụt vẫn đè nặng lên tâm trí của anh Tâm (quê ở Ứng Hòa), người đã dốc toàn bộ vốn liếng mở cửa hàng sơn gần 400 triệu đồng, chỉ sau 1 đêm đã biến thành con nợ, trắng tay.
Anh Vũ Văn Tâm, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội tâm sự: “Bây giờ tôi không biết xoay sở thế nào, tất cả sự đầu tư ở đây là do tôi đầu tư hết nên rất mong các cấp chính quyền, cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân và có chính sách hỗ trợ chúng tôi để tiếp tục làm ăn”.
Thượng tá Nguyễn Hải Triều, trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 16 Hà Nội nói: “Trong quá trình sản xuất, do nhu cầu sản xuất nên nhiều cơ sở, phân xưởng cơi nới, không đảm bảo các quy định về an toàn PCCC”.
Thương tá Đỗ Thanh Hải cho hay: “Qua đây, đơn vị sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt là sẽ kiên quyết xử phạt những hành vi vi phạm về an toàn PCCC của tập thể và cá nhân. Đối với các đơn vị cơ sở và đối với người dân thì cần quan tâm hơn. Chẳng hạn, các cơ sở cần phải rà soát lại toàn bộ phương án, tổ chức khắc phục ngay các sơ hở, thiếu sót có thể dẫn tới cháy. Đặc biệt phải tăng cường công tác tuần tra, canh gác ngoài giờ hành chính”.