Tại cuộc giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội chiều nay (21/10), Đại tá Nguyễn Văn Sơn – Phó Giám đốc Sở PCCC Hà Nội cho biết, trong vụ cháy lớn vào hồi 18h45 ngày 18/10 tại Kho Công ty TNHH Việt Hà tại lô 38B – Khu Công nghiệp Quang Minh (Mê Linh – Hà Nội), lực lượng PCCC đã rất nỗ lực trong công tác khống chế đám cháy, tuy nhiên, đám cháy quá lớn bùng phát trên một phạm vi rộng đã gây không ít khó khăn trong công tác chữa cháy.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn – Phó Giám đốc Sở PCCC Hà Nội cho biết, vụ cháy tại khu công nghiệp thiệt hại khoảng 130 tỷ đồng. |
Thiệt hại lớn
Theo thông tin mà Đại tá Sơn cung cấp, thì nhà kho của công ty TNHH Việt Hà bị cháy có tổng diện tích khoảng 13.000 mét vuông, là nhà 1 tầng, kết cấu khung thép, mái tôn, tường gạch. Trong đó, chi nhánh Công ty TNHH Nippon Express Việt Nam thuê lại có diện tích gần 9.000 mét vuông làm kho trung chuyển hàng hóa. Diện tích đám cháy 8.000 mét vuông bao gồm một phần nhà kho của chi nhánh Công ty TNHH Nippon Express Việt Nam và nhà kho của Công ty TNHH Việt Hà.
Hiện trường vụ cháy KCN Quang Minh. |
“Ngay sau khi nhận được tin báo, nhận định đám cháy xảy ra trong khu vực có nhiều hàng hóa bằng vật liệu dễ cháy, diện tích kho lớn, diễn biến phức tạp, nguy cơ cháy lan rất cao, nguồn nước chữa cháy tại chỗ thiếu… Cảnh sát PCCC Hà Nội đã điều động 19 xe chữa cháy, xe chuyên dùng với 150 cán bộ chiến sĩ” – Đại tá Sơn thông tin.
Lãnh đạo UBND thành phố đã có mặt tại hiện trường vụ cháy để chỉ đạo Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội xuất 4 xe chữa cháy; chỉ đạo các đơn vị doanh nghiệp chi viện 30 xe téc chở nước cho chữa cháy. Các lực lượng công an, dân quân tự vệ, PCCC cơ sở cùng các lực lượng khác tham gia tổ chức chữa cháy, ngăn chặn cháy lan, cháy sang kho dầu máy, nhà xưởng liền kề, đã làm giảm thiệt hại vụ cháy gây ra, cứu được nhiều hàng hóa tài sản trong đám cháy ra khu vực an toàn.
Sau hơn 3 giờ tập trung lực lượng và phương tiện vừa chữa cháy, cứu tài sản, vừa làm mát ngăn cháy lan (đến 22h cùng ngày), đám cháy đã cơ bản được khống chế không gây cháy lan sang nhà xưởng và các cơ sở lân cận.
“Rất may không có thiệt hại về người. Còn thiệt hại về tài sản, sập khoảng 8.000 m2 nhà kho, cháy nhiều tài sản chủ yếu là giấy, gỗ, hạt nhựa, nhiều loại hoàng hóa, thiết bị văn phòng, thiết bị điện….trong nhà kho. Giá trị thiệt hại khoảng 130 tỷ đồng (Chi nhánh Công ty liên doanh TNHH Nippon Express Việt Nam: 100 tỷ đồng; Công ty TNHH Việt Hà 30 tỷ đồng)” – Phó Giám đốc Sở PCCC Hà Nội thông tin.
Kiểm tra PCCC 4 lần/năm vẫn là nhiều?
Liên quan đến tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố Hà Nội 9 tháng đầu năm Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay đã xảy ra 126 vụ cháy, nổ (124 vụ cháy; 2 vụ nổ), làm 18 người chết, 14 người bị thương, thiệt hại trực tiếp ước tính trên 50 tỷ đồng.
“So với cùng kỳ năm ngoài, số vụ cháy nổ năm nay không tăng cũng không giảm, tuy nhiên số người chết lại tăng, số người bị thương giảm. Số vụ cháy xảy ra trong nội thành Hà Nội chiếm 57\%, ngoại thành chiếm 43\%. Cháy tại nhà dân chiếm 44\%, cháy tại nhà máy và các kho chiếm 21\%. Nguyên nhân cháy do điện hoặc có liên quan đến điện chiếm 43\%” – lãnh đạo Sở PCCC Hà Nội cho biết thêm.
Liên quan đến việc trên địa bàn Thủ đô Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại không nhỏ về tài sản, nhiều người thắc mắc rằng tại sao các vụ cháy ngày càng xuất hiện nhiều hơn, và liệu có phải do theo quy định thì 4 năm mới kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở một lần nên phát sinh tình trạng chống chế, dù không đủ điều kiện phòng chữa cháy nhưng khi đến đợt kiểm tra thì họ vẫn tìm cách để qua mặt các cơ quan chức năng.
Giải đáp thắc mắc đó, Đại tá Nguyễn Văn Sơn – Phó Giám đốc Sở PCCC Hà Nội thẳng thắn nhận định: “Theo tôi, việc chỉ kiểm tra công tác PCCC 4 lần/năm vẫn là nhiều quá. Trong việc kiểm tra này, đáng ra trách nhiệm chính là của người đứng đầu cơ sở, họ phải quan tâm đến công tác PCCC, chuẩn bị công tác hỗ trợ cho việc PCCC, giáo dục cho cán bộ nhân viên về việc này… Tôi đã đi rất nhiều nước, ở nước ngoài, chính quyền địa phương phải đi kiểm tra, có khi 3 năm họ mới kiểm tra 1 lần, có cơ sở không phải kiểm tra, nhưng họ đều tự giác thực hiện rất tốt”.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, thì quan trọng không phải tần suất kiểm tra bao nhiêu, mà việc kiểm tra phải thực sự đi vào chất lượng, phải xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm.
“Đối với những công trình chưa hoàn thiện hệ thống PCCC mà đã đưa vào hoạt động thì cần phải xử phạt nghiêm khắc. Thông thường, với những công trình của cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt khoảng 40 triệu đồng, còn đối với cơ quan thì phải phạt gấp đôi. Riêng 9 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng đã xử phạt trên 4 tỷ đồng, trong đó có công trình bị phạt đến 100 triệu đồng” – Đại tá Sơn thông tin.
Cũng theo tin tức mà Đai tá Sơn cung cấp, thì từ đầu năm đến nay đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra 44 vụ cháy, sau đó, cơ quan điều tra sẽ xem xét có đủ điều kiện để khởi tố các vụ cháy này hay không.
Thông tin thêm cho dư luận về vụ cháy xảy ra mới đây nhất vào ngày 18/10 tại các kiot thuê mặt bằng của Công ty Cổ phẩn dịch vụ thương mại HHK Việt Nam (Dương Đình Nghệ- Yên Hòa – Cầu Giấy – Hà Nội), Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết, hiện cơ quan điều tra vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể, đồng thời cũng chưa thống kê được tổng thiệt hại về tài sản, nhưng theo ước tính band dầu thì thiệt hại rơi vào khoảng 5-6 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 23/9, một đám cháy lớn tại quán bar Luxury (Tây Hồ, Hà Nội) cũng đã gây thiệt hại không nhỏ. Tuy nhiên, đã gần 1 tháng trôi qua, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân chính thức của vụ cháy, cũng chưa thống kê chính xác được số thiệt hại mà vụ cháy gây ra.