Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc, vốn đã thấp nhất thế giới, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2023. Báo Dân Trí dẫn thông tin từ Reuters cho hay, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc, hay số con mà một người phụ nữ dự định có trong đời, giảm xuống 0,72 trong năm 2023, hay giảm gần 8% so với năm trước đó.
Con số nói trên thấp hơn nhiều so với tỷ lệ sinh 2,1 trẻ em cần thiết để duy trì dân số hiện tại là 51 triệu người. Hàn Quốc trước đây dự đoán tỷ lệ sinh của nước này có khả năng giảm thêm xuống 0,68 vào năm 2024. Thủ đô Seoul - nơi có chi phí nhà ở cao nhất nước, có tỷ lệ sinh thấp nhất là 0,55 vào năm 2023.
Kể từ năm 2018, Hàn Quốc là quốc gia thành viên duy nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tỷ lệ sinh dưới 1. Được biết, chính phủ Hàn Quốc đã đặt mục tiêu quốc gia đảo ngược tỷ lệ sinh giảm và vào tháng 12/2023 đã hứa sẽ đưa ra “các biện pháp đặc biệt” để giải quyết tình hình.
Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2023. Ảnh minh họa: AFP
“Tôi có ý định sinh con nhưng tôi cũng không muốn bỏ qua nhiều cơ hội thăng tiến", chị Gwak Tae-hee (34 tuổi) - quản lý tại một công ty sữa Hàn Quốc và đã kết hôn được 3 năm, cho biết.
Năm ngoái, chị Gwak đã tính đến chuyện thụ tinh trong ống nghiệp (IVF) để có con nhưng cuối cùng lại vướng vào các dự án nhằm cải thiện triển vọng sự nghiệp.
Người phụ nữ tâm sự: "Tôi không biết ở những nơi khác thế nào nhưng chỉ làm việc 2-3 ngày mỗi tuần sẽ không đưa bạn đến đâu trong các công ty Hàn Quốc. Tôi hy vọng sẽ không quá muộn khi tôi cố gắng (sinh con) vào năm tới hoặc năm sau nữa".
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Hàn Quốc đã trở thành rủi ro hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế và hệ thống phúc lợi xã hội, khi dân số 51 triệu người của nước này có nguy cơ giảm một nửa vào cuối thế kỷ này.
Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ Guardian cho biết, trước cuộc bầu cử vào tháng 4, các đảng chính trị của Hàn Quốc đã khuyến khích những nỗ lực nhằm ngăn tình trạng suy giảm dân số, bao gồm tăng thêm nhà ở xã hội, tối ưu các khoản vay. Đây là những chính sách nhằm nhằm xoa dịu nỗi lo về “sự tuyệt chủng quốc gia” khi tỷ lệ sinh giảm.
Việc các đảng tập trung vào vấn đề dân số trong các chiến dịch bầu cử phản ánh tình trạng nghiêm trọng của vấn đề. Sau khi chi hơn 360.000 tỷ won (tương đương 270 tỷ USD) vào các lĩnh vực như trợ cấp trẻ em từ năm 2006, tỷ lệ sinh vẫn không gia tăng.
Kết hôn được coi là điều kiện tiên quyết để có con ở Hàn Quốc. Thế nhưng, tỷ lệ kết hôn ở nước này cũng đang giảm sút, mà gánh nặng tài chính cao được cho là nguyên nhân chính.
Guardian đưa tin, Hàn Quốc không phải quốc gia duy nhất trong khu vực đang phải vật lộn với tình trạng già hóa dân số. Theo dữ liệu mới nhất của chính phủ Nhật bản, số trẻ sơ sinh được sinh ra tại Nhật Bản năm 2023 đã lập mức thấp kỷ lục khi giảm năm thứ 8 liên tiếp.
Một năm trước, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida từng cảnh báo rằng tỷ lệ sinh dai dẳng sẽ sớm đe dọa khả năng “hoạt động như một xã hội” của đất nước. Ông cũng nói thêm rằng, vấn đề này “không thể chờ đợi hay trì hoãn”.
Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, 758.631 trẻ sơ sinh đã được sinh ra ở Nhật Bản vào năm ngoái, giảm 5,1% so với năm 2022 và là số ca sinh thấp nhất được ghi nhận trong lịch sử nước này.
Số lượng cuộc hôn nhân giảm 5,9%, xuống còn 489.281 cặp, khiến Nhật Bản ghi nhận kỷ lục lần đầu tiên số vợ chồng ở Nhật ở dưới mức nửa triệu cặp. Vấn đề này được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ sinh giảm.
Hàn Quốc không phải quốc gia duy nhất trong khu vực đang phải vật lộn với tình trạng già hóa dân số. Ảnh minh họa: Reuters
Nhiều người Nhật Bản trẻ tuổi bộc bạch, họ không muốn kết hôn hoặc lập gia đình vì triển vọng việc làm kém và chi phí sinh hoạt tăng nhanh. Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp cũng khiến hai vợi chồng khó đi làm cùng lúc khi có con.
Dân số hơn 125 triệu người của Nhật Bản được dự đoán sẽ giảm khoảng 30% xuống còn 87 triệu người vào năm 2070, với cứ 10 người thì có 4 người ở độ tuổi già hơn 65.
Theo Chánh văn phòng nội các Yoshimasa Hayashi, tỷ lệ sinh giảm đã đạt đến “tình trạng nguy kịch”. “Trong khoảng thời gian sáu năm tới hoặc lâu hơn cho đến những năm 2030, khi dân số trẻ bắt đầu giảm, là cơ hội cuối cùng để chúng ta đảo ngược xu hướng già hóa dân số. Không còn nhiều thời gian để hành động”, ông nói.
Đinh Kim (T/h)