Các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở Haiti cảnh báo tình trạng hỗn loạn tại quốc gia này đang trở nên trầm trọng tới mới đất nước có nguy cơ bị đẩy đến bờ vực sụp đổ.
Người Haiti hiện đang phải đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng chồng chéo đang trở nên tồi tệ hơn theo từng ngày khi các băng nhóm vũ trang hạng nặng tiếp tục phong tỏa bến cảng nhiên liệu chính của đất nước.
Đất nước này cũng đang phải trả qua nạn đói tồi tệ nhất trong lịch sử trong khi dịch tả bùng phát, các nhóm tội phạm thì nhằm vào phụ nữ và trẻ em. Tại Haiti hiện nay, bạo lực tình dục được ví như một hình thức chiến tranh.
Haiti đang trải qua hàng loạt cuộc khủng hoảng trầm trọng. Ảnh: Reuters
Ông Fiammetta Cappellini, đại diện Tổ chức Avsi ở Haiti, chia sẻ: "Trong 20 năm làm việc tại Haiti, chúng tôi chưa từng thấy điều gì như vậy. Bạo lực ở khắp nơi và tác động tới tất cả mọi người. Những người dễ bị tổn thương nhất đang vật lộn để tồn tại trong khi viện trợ nhân đạo không thể tới tay mọi người".
Ngày 17/10 (giờ địa phương), Mỹ và Mexico kêu gọi thành lập một lực lượng đa quốc gia không thuộc Liên hợp quốc để đối phó với các băng nhóm hiện đang kiểm soát phần lớn thủ đô Port-au-Prince.
Được biết, bạo lực đã gia tăng ở Haiti sau vụ ám sát cố Tổng thống Jovenel Moïse hồi tháng 7/2021 khi các băng đảng - nhiều trong số đó có mối liên hệ với các chính trị gia - khai thác khoảng trống chính trị để mở rộng quyền lực.
Theo văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc, hiện các phe phái thống trị đang các chiến thuật tàn bạo hơn bao giờ hết để buộc dân chúng phục tùng. Trong báo cáo thu thập lời khai nhân chứng tại Haiti, có nhiều trường hợp trẻ em bị hãm hiếp ngay trước mặt cha mẹ bởi những kẻ có vũ trang.
Nada Al-Nashif, cao ủy nhân quyền, cho biết: "Đáng báo động là số lượng các trường hợp tăng lên từng ngày khi cuộc khủng hoảng nhân đạo và nhân quyền ở Haiti ngày càng trầm trọng".
Báo cáo Liên hợp quốc nói thêm, bạo lực tình dục hiện đang được sử dụng để chống lại những nạn nhân bị bắt cóc. Tổ chức đã ghi nhận các trường hợp các băng nhóm liên tục hãm hiếp phụ nữ và trẻ em gái trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần khi bị giam cầm. Trong một số trường hợp, các băng nhóm gửi video ghi lại các vụ tấn công tình dục cho gia đình nạn nhân để gây áp lực, buộc họ phải trả tiền chuộc.
Liên hợp quốc cảnh báo nếu không được ngăn chặn kịp thời, bạo lực tình dục sắp xảy ra sẽ khiến cơ hội hòa giải và xây dựng hòa bình ở đất nước trở nên khó khăn hơn.
Báo cáo viết: "Việc lạm dụng các hành động bạo lực như vậy sẽ khiến cấu trúc xã hội vốn đã mỏng manh và bị tồn thương của Haiti trở nên tồi tệ hơn, làm suy yếu triển vọng phát triển bền vững và sự ổn định lâu dài".
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo nạn đói ở Haiti đã đạt đến mức độ "thảm khốc" chưa từng có. Hiện nay, có tới 4,7 triệu người tại Haiti đang phải đối mặt với nạn đói và 1,8 triệu người đang bị suy dinh dưỡng. Đây là con số cao kỷ lục từng được ghi nhận tại đây.
Nạn đói tại Haiti đang "thảm khốc" hơn bao giờ hết. Ảnh: INT
Lần đầu tiên hàng nghìn người Haiti đang phải chịu nạn đói cấp độ 5 - cấp độ cảnh báo cao nhất của WFP, cấp độ này thường chỉ được áp dụng cho nạn đói trong thời chiến.
Tình trạng suy dinh dưỡng từ lâu đã tràn lan ở các khu ổ chuột tại Port-au-Prince nhưng việc các băng đảng nổi dậy, khiến các hoạt động của đất nước bị tê liệt đã khiến nạn đói bị đẩy tới mức "sinh tử".
Nhiều cư dân đã không thể đi làm vì thiếu hụt xăng, trong khi đó giá thực phẩm tăng cao, khiến 65% cư cân ở khu định cư Cite Soleil phải chịu cảnh đói và 5% trong số đó cần sự hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.
Dịch tả cũng đã bùng phát tại Haiti trong một thời điểm được cho là không thể tồi tệ hơn. Các tổ chức phi chính phủ y tế cho biết, căn bệnh này có thể gây chết người - đặc biệt là đối với những người bị suy dinh dưỡng - và có thể dễ dàng lây lan qua các thị trấn tồi tàn của Port-au-Prince, vì có rất ít nước sạch sinh hoạt.
Nhà tù quốc gia của Port-au-Prince đã trở thành trung tâm của đợt bùng phát dịch bệnh, với 14 trường hợp tử vong được ghi nhận trong nhà tù quá đông đúc.
Các cơ quan y tế Haiti đã ghi nhận 425 trường hợp nghi ngờ và 22 trường hợp tử vong tính đến ngày 14 tháng 10.
Đợt bùng phát dịch tả gần đây nhất của Haiti là vào năm 2010 và vẫn tiếp tục khiến gần 10.000 tử vong trong 9 năm sau.
Các tổ chức phi chính phủ lo sợ rằng lịch sử sẽ lặp lại tại đây nếu không tìm ra giải pháp cấp bách để xoa dịu bạo lực và chấm dứt tình trạng thiếu lương thực, nước uống cũng như giải quyết dịch bệnh.
Minh Hạnh (Theo Guardian)