Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hai kiểu biến tướng mới của kinh doanh đa cấp

(DS&PL) -

Thời gian gần đây, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 42/2014/NĐ-CP quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, đã xuất hiện thêm nhiều hình thức biến tướng mới.

Thời gian gần đây, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 42/2014/NĐ-CP quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, đã xuất hiện thêm nhiều hình thức biến tướng mới. Trong đó, nổi lên loại hình “ngoại hóa” dưới hình thức đầu tư tài chính và loại hình “nội hóa” dưới hình thức kinh doanh sản phẩm “thuần Việt”.

Đầu tư tài chính dạng đa cấp là trái pháp luật

Gọi điện về đường dây nóng của tòa soạn, chị Hà Thị Hằng, một bạn đọc ở thành phố Hà Giang cho biết, thời gian gần đây, tại Hà Giang rộ lên hình thức kinh doanh “đầu tư tài chính” do Công ty Utokens có trụ sở chính ở Thái Lan, lôi kéo hàng nghìn người tham gia. “Thủ lĩnh” của chi nhánh tại Hà Giang là bà H., một cán bộ từng công tác ở cơ quan Nhà nước mới nghỉ hưu. Chị Hằng cho biết, em chị, một sinh viên đang học đại học ở Hà Nội đã bị "mê hoặc" bởi chi nhánh này, cầm cố xe máy để tham gia, nay dính khoản nợ gần 30 triệu đồng.

Không khó khăn lắm, trong vai “nhà đầu tư” muốn tham gia hệ thống, chúng tôi đã kết nối với bà H. khi bà về Hà Nội lĩnh tiền hoa hồng. Bà H. cho biết, công ty được thành lập vào năm 2011, có trụ sở chính là ở Thái Lan, giám đốc công ty là một “đại tướng” và hiện công ty đã có mặt ở 37 quốc gia trên thế giới. Trụ sở chính của công ty tại Việt Nam là 292 Tây Sơn, Hà Nội. Bà cho biết, bản thân đã có thu nhập nhiều tỷ đồng chỉ trong... vài tháng.

Tìm hiểu hình thức kinh doanh qua các tài liệu chúng tôi được cung cấp và trên trang web của Công ty Utokens, chúng tôi nhận thấy, thực chất cái gọi là “đầu tư tài chính” chỉ là một hình thức kinh doanh đa cấp theo dạng mua “tiền ảo”. Nếu giới thiệu được thêm người vào công ty thì sẽ được hưởng 1/3 số tiền của người tiếp theo. Tiền đầu tư sẽ được quy đổi thành tiền Utokens, quy đổi trên tài khoản lập trên internet và có thể đổi ra... đô-la Mỹ (!?).

Chúng tôi có mặt ở trụ sở công ty, số 292 Tây Sơn, thì thấy nhiều điểm bất thường. Địa chỉ này không treo biển hiệu công ty, chỉ có dòng chữ UFUN (viết tắt tên Công ty Utokens). Thêm một bằng chứng minh chứng sự nghi ngờ của chúng tôi là có cơ sở, khi phải khá vất vả, chúng tôi mới được bà Nguyễn Thị Hạnh, nhân viên công ty, cung cấp các giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, theo hai giấy phép bà Hạnh cung cấp cho chúng tôi thì không có giấy phép nào cho thấy có tên Công ty Utokens, mà chỉ có giấy phép kinh doanh cho Công ty TNHH Ánh sáng T.I.A.N.S.H.I, nay đổi tên là Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư UFC (gọi tắt là Công ty UFC). Hoàn toàn không có thông tin nào cho thấy có sự liên kết, hợp tác giữa Công ty UFC và Công ty Utokens của Thái Lan.

Các hoạt động ồn ào của Công ty Con đường Việt được quảng bá trên trang web vietway.vn.

Tìm hiểu thông tin tại Sở Công Thương TP Hà Nội, chúng tôi đã tiếp cận được giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty UFC. Tại phụ lục bổ sung đăng ký bán hàng đa cấp do Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng ký cho thấy, công ty này chỉ được phép kinh doanh duy nhất một mặt hàng là máy tạo khí ozon8pro, không có lĩnh vực “đầu tư tài chính”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân sáng 13/11, ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), cho biết: “Hành vi kinh doanh đa cấp dưới hình thức đầu tư tài chính hiện không được Bộ Công Thương cấp phép và bị Chính phủ nghiêm cấm”.

Mập mờ “kinh doanh trực tiếp”

Cũng theo phản ảnh của bạn đọc, chúng tôi đã tiếp cận một hình thức kêu gọi kinh doanh đa cấp nữa được quảng bá ồn ào gần đây, được Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Con đường Việt (viết tắt là Công ty Con đường Việt) tổ chức hàng loạt hội thảo ở các tỉnh, thành phố.

Trong tập tài liệu quảng bá, Công ty Con đường Việt tự hào là công ty “kinh doanh trực tiếp” đầu tiên ở Việt Nam với chu trình khép kín từ khâu “nguyên liệu-nghiên cứu-sản xuất-phân phối” sản phẩm chế xuất từ cây nghệ vàng mang tên Nano Curcumin, do Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, công ty này cũng được thực hiện theo hình thức kinh doanh đa cấp. Để trở thành nhà phân phối của công ty, phải mua hàng với mức tối thiểu 2,8 triệu đồng trở lên và phải mở một tài khoản trên hệ thống. Càng “ghép đôi” được nhiều người mua hàng, mở tài khoản, thì nhà phân phối sẽ được hưởng mức hoa hồng càng cao, từ 8 triệu đồng đến... 260 triệu đồng/ngày. Với lời kêu gọi này, nhiều người đã "khóc dở mếu dở" vì ôm giấc mộng đổi đời từ cây nghệ vàng.

Tuy nhiên, cũng từ tập tài liệu quảng cáo của công ty, chúng tôi đã phát hiện ra dấu hiệu gian dối. Công ty này đăng hình ảnh và thông tin chị Vũ Hồ Đ., công tác tại Phòng Thời sự quốc tế, hệ VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam, cho biết: Đã “hết viêm loét, loạn sản dạ dày sau gần 20 năm” nhờ dùng sản phẩm do Công ty Con đường Việt phân phối. Song, khi chúng tôi gọi cho chị Đ. theo số điện thoại 091274878x mà công ty giới thiệu thì số điện thoại toàn báo tắt máy. Chúng tôi tìm cách liên lạc trực tiếp với chị Đ. thì chị thẳng thắn trả lời, chị chưa hề dùng sản phẩm của Công ty Con đường Việt và cũng không hề biết công ty này! Hành vi mạo danh, gian dối của Công ty Con đường Việt cần phải bị xử lý.

Ông Bạch Văn Mừng cho biết, hiện nay, triển khai thực hiện Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương đang siết chặt quản lý giấy phép kinh doanh đa cấp. Những công ty có giấy phép kinh doanh đa cấp đều được đăng tải trên trang web của Cục Quản lý cạnh tranh. Tìm trên trang web của Cục Quản lý cạnh tranh, không thấy tên Công ty Con đường Việt được cấp phép kinh doanh đa cấp.

Đã có quá nhiều bài học người dân vì ham làm giàu nhanh mà "sập bẫy" kinh doanh đa cấp trái phép. Hai hiện tượng trên là bài học cần cảnh báo để mọi người cảnh giác, tránh “tiền mất tật mang”.

Tin nổi bật