Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, năm 2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã làm nhiều diện tích cây trồng của Hà Nội bị gãy, đổ, ngập úng; gia súc, gia cầm bị chết. Song, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân, tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 trên địa bàn thành phố tăng 2,52% so với năm trước.
Buổi làm việc do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì.
Với khả năng tự sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với các sản phẩm thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản nước ngọt và các nông sản, thực phẩm khác khả năng đáp ứng khoảng 20-70%. Lượng hàng hóa nông sản còn thiếu và các sản phẩm đặc sản vùng miền, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân Thủ đô, khách du lịch được các kênh phân phối, doanh nghiệp, siêu thị... khai thác từ các tỉnh, thành phố và một phần nhập khẩu. Đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng và phát triển được 1.327 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tăng 330 chuỗi so với năm 2023. Đặc biệt, 100% các chuỗi cung cấp từ các tỉnh, thành phố của Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc tương đương, trong đó 45% số chuỗi cung ứng sản phẩm cho thành phố Hà Nội có ít nhất 1 công đoạn được chứng nhận sản xuất theo một trong các tiêu chuẩn: VietGAP, HACCP, ISO 22000, hữu cơ...
Các ngành Công Thương, NN&PTNT của Hà Nội đã chủ động ký kết, tổ chức nhiều hội chợ, gian hàng, nhằm giới thiệu nông sản các tỉnh, thành phố tới người dân Thủ đô. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp dự trữ hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.
Nguồn cung thực phẩm tại Hà Nội luôn được đảm bảo dồi dào, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là trong thời điểm cuối năm.
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, sản phẩm thịt, thủy sản nước ngọt cơ bản đủ, còn nông sản khác đáp ứng 20-70%. Đối với phần còn thiếu, Hà Nội đã chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố, nên nguồn cung đa dạng, phong phú, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân. Chăn nuôi của Hà Nội phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Đối với rau vụ đông hiện có khoảng 33.000ha, tăng 4.000ha so với cùng kỳ năm trước, nên nguồn cung rau cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ dồi dào...
Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, phát triển nông nghiệp của Hà Nội cần mang tính đặc thù riêng, tạo ra những đặc sản có giá trị kinh tế cao, phục vụ cho người tiêu dùng Thủ đô. Đối với chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng trọt và phát triển lâm nghiệp đều chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại và phương pháp phù hợp. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm; thúc đẩy thu mua chế biến sâu để phục vụ cho thị trường Thủ đô và hướng tới xuất khẩu.
Nhằm bảo đảm nguồn cung và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Hà Nội chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương phát triển sản xuất nông sản, thực phẩm nông, lâm, thủy sản; phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; phòng, chống lụt bão, thiên tai, chủ động nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng thành phố. Tăng cường công tác phối hợp trong lĩnh vực kết nối sản xuất, tiêu thụ, xúc tiến thương mại nông nghiệp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các sở, ngành thành phố theo dõi sát và thông tin thường xuyên tình hình sản xuất, nguồn cung, giá bán, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, từ đó đánh giá năng lực cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác để có phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2025. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm; ngăn chặn, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm về công tác bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát nông, lâm, thủy sản vào các đợt cao điểm, nhất là dịp Tết, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm tra đột xuất, nhất là những cơ sở buôn bán nhỏ lẻ; đẩy mạnh công tác truyền thông trong dịp Tết về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó tiếp tục đảm bảo công tác chuẩn bị hàng hóa nông sản, thực phẩm trong dịp Tết.