Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 4.125 trường hợp mắc đau mắt đỏ, rải rác tại tất cả quận, huyện, thị xã.
Tính đến thời điểm hiện tại Hà Nội có hơn 4000 trường hợp đau mắt đỏ đến bệnh viện.(Ảnh: internet). |
Sở Y tế Hà Nội cảnh báo, bệnh đau mắt đỏ có xu hướng gia tăng do thời tiết. Thời tiết chuyển mùa từ nắng nóng sang mưa nhiều, độ ẩm tăng là điều kiện thuận lợi cho virus Adeno phát triển và gây bệnh.
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các đơn vị; Ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, tập trung vào việc hướng dẫn vệ sinh và phòng chống bệnh trong trường học và tại cộng đồng.
Ông Hạnh cho biết thêm, sắp tới Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch, phòng, chống bệnh viêm kết mạc cấp.
Toàn thân sốt nhẹ, viêm mũi - họng, nổi hạch trước tai là biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ. Thông thường khi bị viêm kết mạc – họng - hạch, virus có thể tấn công cùng lúc ở cả mắt, họng và làm nổi hạch, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết.
Khi mắc bệnh, người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu, chảy nước ở mắt, sợ ánh sáng, mỗi khi nuốt nước bọt họng lại đau và nổi hạch. Đồng thời vành mi trên, đặc biệt là mi dưới xuất hiện nhiều hột to mọc thành dãy, xuất hiện nhanh và thoái hoá phát triển nhanh trong vòng 6 ngày không để lại sẹo.
Ngoài ra bệnh này đôi khi còn tấn công làm ảnh hưởng đến đường tiết niệu gây tiểu dắt, buốt. Khác với đau mắt đỏ thông thường, bệnh này thường lây nhiễm chủ yếu qua đường hô hấp như ho, hắt hơi vì vậy người bệnh cũng cần phải đeo khẩu trang tránh lây nhiễm cho người khác.
Bệnh đau mắt đỏ thường chỉ diễn ra từ 5 - 7 ngày, nhưng sau một thời gian nếu không điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi… Do đó, khi thấy có triệu chứng bệnh cùng lúc ở mắt, họng và nổi hạch cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa về mắt để khám và có cách điều trị kịp thời.
Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, trẻ em, người lớn khi phát hiện đau mắt đỏ cần được nghỉ học, nghỉ làm từ 5 - 7 ngày.
Để chủ động phòng bệnh, cộng đồng cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, rửa mặt hàng ngày bằng khăn mặt riêng với nước sạch; Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường; Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; Không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt, vật dụng cá nhân dễ bị nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, kính mắt; Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.