Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giáo viên không được tổ chức dạy thêm trong những trường hợp nào?

  • Bảo An
(DS&PL) -

Thực tế cho thấy việc dạy thêm của giáo viên vẫn đang diễn ra phổ biến trong xã hội. Đây cũng là vấn đề được xã hội quan tâm, mới đây trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đồng tình với quan điểm đưa việc dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện nay, pháp luật có quy định như thế nào về việc này?

Hiện nay, hoạt động dạy thêm, học thêm được quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. Theo đó, có một số quy định về hoạt động này mà giáo viên, phụ huynh và cả các em học sinh cần nắm rõ. Cụ thể:

Hoạt động dạy thêm, học thêm phải đảm bảo nguyên tắc

Căn cứ quy định tại Điều 3 Thông tư 17, hoạt động dạy thêm, học thêm phải đảm bảo 5 nguyên tắc:

1. Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.

2. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.

3. Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.

4. Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.

5. Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

Pháp luật quy định nhiều trường hợp giáo viên không được tổ chức dạy thêm. Ảnh minh họa.

Các trường hợp giáo viên không được tổ chức dậy thêm

Theo Điều 4, Thông tư 17 quy định cụ thể các trường hợp không được tổ chức dạy thêm gồm:

1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Quy trình tổ chức dạy thêm, học thêm

Căn cứ Điều 5 Quy định ban hành kèm Thông tư số 17/2012/TT-BGDDT, học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường để được học thêm trong trường.

Cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về dạy thêm, học thêm vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết.

Hiệu trưởng nhà trường tiếp nhận đơn xin học thêm của học sinh, tổ chức phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học và tổ chức dạy thêm theo nhóm học lực của học sinh.

Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Hiệu trưởng nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên dạy thêm, phân công giáo viên dạy thêm, xếp thời khoá biểu dạy thêm phù hợp với học lực của học sinh.

Giáo viên dạy thêm được phép thu học phí như thế nào?

Thông tư 17 cũng nêu rõ vấn đề này tại Điều 7. Theo đó:

1. Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường:

a) Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm;

b) Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường;

c) Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.

2. Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường:

a) Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm.

b) Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền học thêm.

Giáo viên muốn dạy thêm phải đảm bảo một số yêu cầu

1. Đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục.

2. Có đủ sức khoẻ.

3. Có phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân và các quy định của pháp luật; hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại cơ quan công tác.

4. Không trong thời gian bị kỉ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.

5. Được thủ trưởng cơ quan quản lý hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận các nội dung quy định tại khoản 3, khoản 4 điều này (đối với người dạy thêm ngoài nhà trường); được thủ trưởng cơ quan quản lý cho phép theo quy định tại điểm b, khoản 4, điều 4 quy định này (đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập. 

Được biết ngoài Thông tư 17, còn có các quy định về đạo đức của nhà giáo, trong quy tắc ứng xử của trường học, văn hóa học đường, thi hành công vụ của nhà giáo… cũng đã đầy đủ các quy định với hoạt động dạy thêm, học thêm trong môi trường nhà trường. Tuy nhiên, đối với môi trường ngoài nhà trường còn đang thiếu một cơ sở pháp lý để có thể quản lý, điều tiết, giám sát, xử lý đối với công việc này.

Bảo An (T/h)

Tin nổi bật