Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: "Tình trạng tăng lương không kịp với tăng giá sẽ không xảy ra”

  • Bảo An
(DS&PL) -

Tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Quốc hội sẽ giám sát việc triển khai Luật Giá (sửa đổi), đặc biệt là trong bối cảnh từ 1/7 tới sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Người đưa tin pháp luật, chiều 24/6, tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, báo chí đặt câu hỏi đến Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang về việc làm sao để kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ khi Chính phủ tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang trả lời họp báo. Ảnh: Người đưa tin Pháp luật.

Trả lời, ông Giang cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có kinh nghiệm trong việc này, khi chúng ta thực hiện tăng lương cơ sở đi cùng với đó là kiểm soát, điều hành giá.

Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi) với 92,91% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành theo đó luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. 

Theo nội dung quy định trong đó có các giải pháp kiểm soát giá thông qua quy định giá đối với các mặt hàng thiết yếu, kê khai giá… Tất cả các giải pháp trong Luật Giá (sửa đổi) nhằm kiểm soát giá.

Đối với mặt hàng kê khai giá, trong Luật Giá quy định kiểm soát giá kê khai trên thị trường. Do vậy, Quốc hội sẽ giám sát việc Chính phủ triển khai Luật Giá (sửa đổi), đặc biệt trong bối cảnh từ 1/7 sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức. Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra yêu cầu là kiểm soát giá cả hàng hóa thiết yếu và chỉ số CPI. 

“Tôi tin rằng với sự sát sao của Chính phủ từ sớm và sự giám sát của Quốc hội thì tình trạng tăng lương không kịp với tăng giá sẽ không xảy ra”, ông Giang chia sẻ.

Trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV mới được thông qua, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Báo Công thương thông tin, bên cạnh đó, Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, có các giải pháp phù hợp và thực hiện hiệu quả để ổn định việc làm cho người lao động, hỗ trợ kịp thời cho người lao động thất nghiệp, mất việc làm. Xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng và nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến đời sống người dân, đến nay đã trải qua 4 lần cải cách tiền lương, tuy nhiên, mức lương cán bộ công chức tại thời điểm hiện nay là khá thấp. 

Vào cuối tháng 5, trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - đoàn Hà Nội nhấn mạnh, chính sách tiền lương là chính sách vô cùng quan trọng. Một chính sách tiền lương đúng đắn có tác động thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, một chính sách tiền lương bất hợp lý sẽ là rào cản đối với bước tiến xã hội.

Sau 23 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 22/5-10/6/2023; đợt 2 từ ngày 19/6-24/6/2023) với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với kết quả: Thông qua 08 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác.

Đồng thời, giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.

Bảo An (T/h)

Tin nổi bật