Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quốc hội thông qua Nghị quyết về 7 nhóm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Chiều nay 24/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị, tổ chức bộ máy… nhằm tạo cơ sở pháp lý, động lực để TP. HCM phát triển nhanh, bền vững.

Theo Người lao động, chiều 24/6, với 97,37% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (gọi tắt là Nghị quyết mới). Nghị quyết mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.

Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách Nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền TP.HCM và thành phố Thủ Đức.

Về quản lý đầu tư

Quốc hội cho phép HĐND TP.HCM quyết định tiêu chí, điều kiện và mức hỗ trợ để bố trí vốn đầu tư công cho giảm nghèo, giải quyết việc làm.

TP.HCM cũng được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).

Trong quá trình thảo luận, một số đại biểu Quốc hội cho rằng các chính sách đặc thù cho TP.HCM chưa đột phá, khác biệt để giúp địa phương phát triển vượt trội.

Giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết TP.HCM đang nghiên cứu một số chính sách đột phá như Trung tâm Tài chính quốc tế, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát với công nghệ trong tài chính.

Ngoài các lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định tại Luật Đầu tư, TP.HCM còn được áp dụng đầu tư PPP với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa. Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án do HĐND TP quy định.

TP.HCM cũng được áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao.

Về tài chính, ngân sách nhà nước

HĐND TP quyết định và điều chỉnh mức, tỉ lệ thu phí, lệ phí chưa có trong danh mục của Luật Phí, lệ phí (trừ phí, lệ phí toà án, các loại phí thuộc nguồn thu ngân sách trung ương). Ngân sách thành phố được hưởng 100% số tăng thu từ các khoản thu do điều chỉnh phí, lệ phí.

TP.HCM được thực hiện cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương, chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền.

TP cũng được vay qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, và nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho vay lại, với tổng dư nợ tối đa 120% số thu ngân sách TP.HCM được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo Luật Ngân sách nhà nước.

Hàng năm, TP được bổ sung tối đa 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán được Thủ tướng giao.

Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) là Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước, quản lý Quỹ đầu tư phát triển địa phương. Nguồn lực thu được từ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước do UBND TP làm đại diện, được dùng để tăng vốn cho HIFC. Lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ, được giữ lại bổ sung vào Quỹ Đầu tư phát triển. HĐND được bố trí vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố để hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế xã hội.

TP. HCM được thí điểm cơ chế tài chính để giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Ngân sách TP. HCM hưởng 100% nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon.

Trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, đơn vị được xác định là tài sản công được lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự dùng.

 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù vừa được Quốc hội trao cho TPHCM, nhằm tạo cơ sở pháp lý, động lực để TP phát triển nhanh, bền vững. Ảnh minh họa

Về quản lý đô thị và tài nguyên, môi trường

HĐND TP.HCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

"Việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị để phục vụ lợi ích cộng đồng, được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp: tăng chỉ tiêu đất hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; giảm mật độ xây dựng; tăng chỉ tiêu diện tích sàn ở bình quân đầu người nhưng phải bảo đảm kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố và không làm tăng mật độ xây dựng, không làm quá tải hạ tầng khu vực", Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.

Trong việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, Quốc hội nêu định hướng đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng kết hợp lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông.

Về thu hút nhà đầu tư chiến lược

TP được tự quyết cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới.

Nghị quyết cũng đưa ra chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp với khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Liên quan tới tổ chức bộ máy, TP được quy định tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND huyện và Phó Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có số dân từ 50.000 dân trở lên để đảm bảo nguồn lực lãnh đạo quản lý để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. HĐND TP quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn.

UBND TP quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp cho TP, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Về hiệu lực thi hành của Nghị quyết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, theo đó, hiệu lực thi hành của Nghị quyết từ ngày 1/8/2023, bảo đảm quy định có hiệu

lực sau 45 ngày kể từ ngày thông qua Nghị quyết để phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ở TP.HCM được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm.

Chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại doanh nghiệp này cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân trong cùng thời hạn.

Về tổ chức bộ máy chính quyền của Thành phố, HĐND TP. HCM 

Thành lập Sở An toàn thực phẩm - là cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố.

Ngoài ra, Quốc hội cho phép UBND huyện thuộc TP.HCM có không quá 3 phó chủ tịch. Đối với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên, UBND phường, xã, thị trấn có không quá 3 phó chủ tịch.

Chủ tịch TP.HCM được ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc UBND và việc ủy quyền phải bằng văn bản, quy định rõ trách nhiệm của người ủy quyền và người được ủy quyền.

HĐND TP.HCM được quyết định bố trí ngân sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức… không vượt quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức…

HĐND TP cũng quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của Thành phố.

Về tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố Thủ Đức

HĐND thành phố Thủ Đức có không quá 2 phó chủ tịch và có không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách. UBND thành phố Thủ Đức có không quá 4 phó chủ tịch, thông tin từ Dân Trí.

Thùy Dung (T/h)

Tin nổi bật