(ĐSPL) - Mấy ngày qua, thông tin việc "chuyển giao" cơ quan chủ trì điều hành giá bán lẻ xăng dầu từ bộ Tài chính sang bộ Công Thương nhận được rất nhiều ý kiến của người dân và các chuyên gia kinh tế.
Bên cạnh những ưu điểm của cuộc "chuyển giao" này, nhiều chuyên gia đã lên tiếng về những mặt hạn chế. Trong đó, không ít người lo ngại rằng, sẽ có tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong cách điều hành giá xăng dầu từ Bộ Công Thương và việc Bộ này sẽ ưu ái với "con đẻ" của mình là Petrolimex.
Quan trọng là minh bạch như thế nào?
Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 189 về ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận cuộc họp về dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định mới, thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Phó Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng về chu kỳ tính giá cơ sở, thực hiện theo phương án giá cơ sở được tính bình quân 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng chấp thuận điều chỉnh cơ quan chủ trì điều hành giá bán lẻ xăng dầu từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương. Khi "chuyển giao" cơ quan quản lý về giá bán lẻ xăng dầu, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, việc trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cần phải thực hiện theo nguyên tắc thường xuyên, liên tục nhằm tạo nguồn lực để bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Từ trước tới nay, hầu hết văn bản liên quan đến điều hành giá xăng đều là quyết định từ liên Bộ Tài chính-Công Thương. Trong đó, vai trò quản lý, giám sát giá xăng thuộc về cục Quản lý giá (bộ Tài chính). Cụ thể, khi giá thế giới biến động, các doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ đề xuất lên cục Quản lý giá để tăng hoặc giảm giá sao cho phù hợp với thực tế trong nước. Sau đó, cục Quản lý giá sẽ cân nhắc, tính toán lại giá cơ sở của các DN có hợp lý hay không. Nếu hợp lý, phương án tăng giá sẽ được chấp thuận, còn nếu không thì đề nghị DN không tăng giá.
Thậm chí khi giá thế giới giảm mạnh nhưng các DN xăng dầu không có động tĩnh gì thì cơ quan này cũng sẽ yêu cầu các DN phải giảm giá. Vì vậy, khi bộ Tài chính không còn quản lý vấn đề này nữa, nhiều người dân lo ngại rằng, giá xăng dầu sẽ khó mà minh bạch được như mong muốn của các cơ quan hữu quan.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Túy (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, một trong những lý do khiến nhiều người dân cảm thấy băn khoăn trong việc chuyển giao điều hành giá xăng sang bộ Công Thương chính là việc Bộ này sẽ có sự ưu ái đối với tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Bởi cơ quan này chính là cơ quan chủ quản của Petrolimex.
"Cần có một cơ quan giám sát để đảm bảo không xảy ra tình trạng ưu ái với công ty này, không ưu ái với công ty kia. Việc "bao sân" của bộ Công Thương sẽ khiến cho dư luận nghi ngờ về tính minh bạch, vì cơ quan nào cũng muốn doanh nghiệp mình quản lý có lợi nhuận cao. Như vậy, nếu bộ Công Thương vừa quản lý việc nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, vừa quản lý giá thì cân đối như thế nào? Đây cũng là vấn đề nên xem xét một cách nghiêm túc", luật sư Túy góp ý.
Trong khi đó, ông Phạm Tất Thắng, nguyên lãnh đạo ngành Thương mại cho biết: "Dù các cơ quan chức năng đã công bố nhiều thông tin nhằm minh bạch hóa hơn nữa thị trường xăng dầu, tôi cho rằng, Việt Nam vẫn chưa thể có một thị trường xăng dầu minh bạch theo đúng nghĩa. Chúng ta đã nói nhiều tới việc minh bạch thông tin nhưng quan trọng hiện nay là minh bạch như thế nào. Bởi lẽ, điều kiện kinh doanh xăng dầu của ta hiện nay có nhiều yếu tố rất khó kiểm soát, nên dù công bố thông tin thì chúng ta cũng không thể nào rõ được".
|
Giá xăng dầu tới đây sẽ do bộ Công Thương quản lý. ảnh T.L |
Cần thời gian để kiểm chứng hiệu quả
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: "Từ trước tới nay, việc quản lý giá xăng dầu tuân thủ theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Mới đây, Chính phủ đã chấp thuận đề nghị của bộ Tài chính là chuyển công tác quản lý giá xăng dầu sang cho bộ Công Thương. Chúng ta khó có thể đánh giá xem vấn đề này có hiệu quả hay không vì muốn đánh giá hiệu quả thì phải dựa vào số liệu cụ thể chứ không thể nói chung chung được. Hơn nữa, việc "chuyển giao" mới diễn ra nên chúng ta phải đợi bộ Công Thương thực hiện trong một thời gian nhất định. Lúc bấy giờ, chúng ta mới có cơ sở để đánh giá việc này tốt hay không tốt. Những lo ngại mà dư luận hiện nay đặt ra là chưa có căn cứ (vì chưa có số liệu thống kê) nên rất cần thời gian để kiểm chứng tính hiệu quả".
Ông Nguyễn Đức Kiên cũng cho biết thêm, việc "chuyển giao" vấn đề này cho cơ quan nào quản lý là phải tuân theo quy định của pháp luật. Nếu Chính phủ cho phép việc "chuyển giao" này thì trước mắt phải tuân thủ. Hiện nay, tổ điều tiết giá xăng dầu trực thuộc bộ Công Thương nên sau cùng nó thuộc về bộ Công Thương cũng là điều hợp lý. Chúng ta cần phải có một đầu mối chịu trách nhiệm trong vấn đề này, còn hiệu quả thì phải có thời gian thực hiện thì mới khẳng định được.
|
Ông Nguyễn Đức Kiên: Hiệu quả của việc “chuyển giao” này cần thời gian để kiểm chứng. |
Trong khi đó, TS. Bùi Ngọc Sơn, viện Nghiên cứu Chính trị thế giới đánh giá: "Cần phải biết rằng, việc "chuyển giao" quản lý giá xăng dầu về bộ Công Thương là đề nghị từ bộ Tài chính. Quan điểm của bộ Tài chính là bộ Công Thương quản lý thị trường xăng dầu như: Cung-cầu, tính cạnh tranh... nên cần quản lý cả giá cả. Chưa kể, tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng do bộ Công Thương quản lý về mặt Nhà nước thì bộ này điều hành giá cũng được cho là phù hợp. Điều lấn cấn ở đây là, mặt hàng xăng dầu hiện nay vẫn là độc quyền nhóm. Trong khi đó, tổng công ty Xăng dầu Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước độc quyền, chưa cổ phần hóa nên giao cho bộ Công Thương quản lý hết, khiến cho nhiều người lo ngại về sự không công bằng trong quản lý, điều hành. Nhưng theo tôi, đó mới chỉ là những lo ngại dựa trên những phán đoán chưa đủ căn cứ. Chúng ta phải xem họ thực hiện ra sao mới đánh giá được việc "chuyển giao" này là tích cực hay không? Vì thế, điều này cần thời gian để kiểm chứng tính hiệu quả".
Sau khi việc quản lý giá xăng dầu được chuyển về bộ Công Thương, Bộ này cũng đã có những động thái tỏ rõ quyết tâm để làm minh bạch hơn nữa thị trường xăng dầu. Bộ đã có chỉ thị về minh bạch hoạt động kinh doanh xăng dầu của tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, như công khai lương, thưởng của toàn bộ nhân sự lao động của tổng công ty này trên trang web; công khai giá thế giới, giá cơ sở mặt hàng xăng dầu...
Chính từ những động thái này mà TS. Bùi Ngọc Sơn nhận định: "Chúng ta có thể kỳ vọng giá xăng dầu sẽ minh bạch hơn, cân đối hợp lý các lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân tốt hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng vào việc này vì theo tôi, việc "chuyển giao" giá xăng cho bộ Công Thương có thể chỉ là giải pháp tình thế. Chủ trương của Chính phủ từ nay đến hết năm 2015 sẽ phải cổ phần hóa hết các doanh nghiệp Nhà nước. Các bộ, ngành khi đó sẽ chỉ còn quản lý Nhà nước về mặt hành chính, đưa ra cơ chế chính sách chứ không còn quản lý trực tiếp các doanh nghiệp, can thiệp trực tiếp vào giá cả, kinh doanh của doanh nghiệp như hiện nay nữa".
Bộ Công Thương hứa sẽ minh bạch giá xăng dầu Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 11/5 mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: Chỉ thị 11 của Bộ Công Thương ban hành mới đây nhằm mục đích để giá điện, giá xăng dầu công khai, minh bạch. Người dân sẽ có điều kiện để kiểm tra, giám sát xem ngành xăng dầu có thực hiện đúng các quy định pháp luật hay không. Ngoài ra, qua việc công bố công khai cơ cấu về giá xăng dầu, người dân có quyền được lựa chọn giá hợp lý đối với mình. |