Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

"Tranh cãi nảy lửa" giữa Bộ Tài chính với các "đại gia" xăng dầu

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Những "ông lớn" kinh doanh xăng dầu đã chính thức có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc bị Hải quan truy thu 350 tỉ đồng tiền thuế sai quy định.

(ĐSPL) - Những "ông lớn" kinh doanh xăng dầu đã chính thức có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc bị Hải quan truy thu 350 tỷ đồng tiền thuế sai quy định. Mặc dù đã bị Bộ Tư pháp "thổi còi", nhưng đơn vị ban hành văn bản chỉ đạo sự vụ này là bộ Tài chính vẫn đang ra sức ngụy biện!?
Công văn trị giá... 350 tỷ đồng
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ vụ bị truy thu thuế nhập khẩu xăng dầu.
Theo đó, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính thu hồi lại Thông báo số 17060/BTC-VP ngày 7/12/2012 theo đúng đề nghị của Bộ Tư pháp và thực hiện đúng theo Nghị định 154/2005/NĐ-CP và Thông tư 194/2010/TT-BTC về hướng dẫn thủ tục hải quan, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng cho phép, toàn bộ số thuế nhập khẩu xăng dầu bị truy thu vừa qua mà bảy doanh nghiệp đã nộp sẽ được khấu trừ vào năm sau. Đây là lần thứ hai, cơ quan này lại gửi "khiếu nại" lên Thủ tướng, nhất mực đòi Bộ Tài chính phải trả lại tiền thuế xăng dầu được cho là bị truy thu... "oan".
"Tranh cãi nảy lửa" giữa Bộ Tài chính với các "đại gia" xăng dầu (Hình minh hoạ).
Theo nội dung văn bản số 17060 ngày 7/12/2102 của Bộ Tài chính, yêu cầu Tổng cục Hải quan phải thay tờ khai hải quan với các lô hàng xăng dầu chuyển từ tạm nhập tái xuất sang tiêu thụ nội địa. Đáng chú ý, thời điểm tính thuế được văn bản này hướng dẫn là tính từ thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thay thế.
Trong khi trước đó các doanh nghiệp thực hiện kê khai và nộp thuế theo quy định tại Thông tư 194 có hiệu lực từ ngày 20/1/2011 của chính Bộ này, tức không cần đăng ký tờ khai mới, chỉ cần khai và nộp thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt. Với việc phải thay tờ khai mà bản chất là thay đổi thời điểm tính thuế nhập khẩu xăng dầu thì các doanh nghiệp buộc phải nộp bổ sung hàng trăm tỉ đồng tiền thuế cho năm 2012.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng như các doanh nghiệp cho rằng, văn bản số 17060 do Chánh văn phòng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi ký có nội dung chỉ đạo trái với quy định của Nghị định 154 của Chính phủ cũng như Thông tư 194 do chính bộ Tài chính ban hành.
Các doanh nghiệp phản ứng quyết liệt hơn khi cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có công văn gửi Bộ Tài chính khẳng định, việc truy thu thuế với các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu là không có cơ sở pháp lý và kiến nghị hủy bỏ công văn số 17060.
Được biết, mới đây nhất, Hiệp hội tiếp tục có công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng xem xét xử lý việc truy thu thuế đối với tám doanh nghiệp đầu mối nhưng vẫn không nhận được văn bản trả lời.
Theo hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, để thực hiện nghiêm chỉnh cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, cơ quan này đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính tổ chức một buổi gặp mặt với Hiệp hội hoặc có sự tham dự của các doanh nghiệp đầu mối để giải quyết dứt điểm vụ việc nói trên nhưng không nhận được hồi âm.
Bởi vậy, Hiệp hội mới có văn bản báo cáo với Thủ tướng về câu chuyện gây tranh cãi này và trông chờ Thủ tướng có phân xử rõ ràng.

Vì sao bộ Tài chính vẫn chưa thừa nhận mình sai?

Bộ Tư pháp... "thổi còi"
Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, về vấn đề này, cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) khẳng định: "Công văn số 17060 đã đưa ra quy định mang tính quy phạm pháp luật khi yêu cầu phải thực hiện cơ chế phải thay tờ khai hải quan".
Cũng theo Bộ Tư pháp, "Công văn này thậm chí không tính đến và đã làm thay đổi cơ chế khai hải quan đã được xác lập tại Thông tư số 194, đồng thời, cơ chế này cũng đã dẫn đến việc thay đổi về thời điểm tính thuế đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất không hết, chuyển tiêu thụ nội địa. Công văn 17060 là văn bản hành chính cá biệt, có chứa quy phạm pháp luật, vi phạm quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như quy định của Chính phủ".
"Không thể dùng công văn hành chính cá biệt là công văn số 17060 để bẻ ghi, thay thế cơ chế đã được xác lập tại Thông tư số 194. Trường hợp Bộ Tài chính thấy cần xác lập quy chuẩn mới về vấn đề liên quan thì phải ban hành thông tư mới thay thế, hoặc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 194 để làm cơ sở pháp lý cho tổng cục Hải quan, cục Hải quan và các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu thực hiện", Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật xác định. Bên cạnh đó, qua kiểm tra, rà soát nhận thấy sai trái, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã đề nghị hủy bỏ công văn 17060. 
Được biết, dù cơ quan chuyên môn của Bộ Tư pháp đã chỉ ra "sai trái" của công văn số 17060 nhưng đến nay Bộ Tài chính vẫn đang ra sức ngụy biện khi cho rằng, Thông báo 17060 là văn bản hành chính đôn đốc công tác tổ chức thực hiện, không mang tính quy phạm và thống nhất với quy định pháp luật tại Nghị định 154 của Chính phủ và Thông tư 194 của bộ Tài chính.
Ngoài ra, Bộ này còn giải thích thêm, việc truy thu thuế đối với các doanh nghiệp là thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và thực hiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Đại diện hiệp hội Xăng dầu Việt Nam trả lời PV báo Đời sống và Pháp luật cho hay: "Trả lời của Bộ Tài chính là không thể chấp nhận được. Nói thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Công văn 622 ngày 5/4/2013 nhưng đây là văn bản mật nên Hiệp hội không có điều kiện tiếp cận... Để làm rõ, chúng tôi nghĩ, Bộ Tài chính nên công bố công văn này để tránh những hiểu lầm không đáng có.
Ngoài ra, không thể nói việc truy thu thuế dựa trên kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Bởi, công văn số 17060 ban hành ngày 7/12/2012, còn báo cáo số 240 của Kiểm toán Nhà nước ban hành vào ngày 13/8/2013, tức là đúng 8 tháng 6 ngày sau khi công văn số 17060 của Bộ Tài chính chỉ đạo gián tiếp việc truy thu thuế. Điều đó cho thấy quyết định truy thu thuế được giải thích bằng việc thực hiện theo sự chỉ đạo của Kiểm toán Nhà nước là không thuyết phục".
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội Lê Minh Quốc nói: "Đây là hành xử rất vô lý, không tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành. Chúng tôi quyết tâm làm rõ đúng, sai trong câu chuyện này là cái gì.
Đến bây giờ nó vẫn cứ lằng nhà lằng nhằng, cứ đá đi đá lại, công văn đi, công văn lại rất mất thời gian. Chúng tôi cần một quyết định ở câu chuyện này là chúng tôi đúng hay là sai. Nếu các cơ quan hành chính Nhà nước, thậm chí Thủ tướng Chính phủ không quyết định được thì phải đưa ra tòa để quyết định chuyện đúng sai". 
Cũng theo hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, họ đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính tổ chức một buổi gặp mặt đàng hoàng với Hiệp hội hoặc có sự tham dự của các doanh nghiệp đầu mối để "làm cho ra ngô, ra khoai" vụ việc nhưng đề nghị của họ cho tới nay vẫn chưa được phía bộ Tài chính chấp nhận.
Một nguồn tin mà PV báo Đời sống và Pháp luật nhận được từ Cục Kiểm tra sau thông quan (tổng cục Hải quan) thì, Bộ Tài chính vẫn kiên quyết truy thu thuế đối với các đơn vị này. Nếu như vậy, tất yếu "cuộc chiến" giữa các "đại gia" xăng dầu và nhà cầm cái Bộ Tài chính vẫn chưa có hồi kết.  
Đầu tháng 6/2013, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan yêu cầu truy thu gần 350 tỉ đồng tiền thuế, trong đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 170 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là 66 tỷ đồng, Xăng dầu Đồng Tháp (Petimex) 56,5 tỷ đồng, Lọc hóa dầu Việt Nam (Nam Viet Oil) 26 tỷ đồng, Xăng dầu quân đội 19,7 tỷ đồng, Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội (Mipec) 10 tỷ đồng.

Tin nổi bật