Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gặp hot girl "múa lửa"

(DS&PL) -

Ngoại hình xinh đẹp nên cô được người hâm mộ ưu ái đặt cho biệt danh dễ thương là “hotgirl múa lửa”.

Để có những màn biểu diễn ấn tượng, đã mắt người xem, những diễn viên múa lửa phải đánh đổi rất nhiều thứ. Với họ những tai nạn như: Bỏng chân, bỏng tay, bỏng mặt... trong quá trình biểu diễn là chuyện “thường ngày ở huyện”.

Gian nan nghề “đùa với lửa”

Múa lửa là bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự khổ luyện nghiêm túc của người học, cũng như sự sáng tạo trong mỗi phần biểu diễn để khán giả không bị nhàm chán. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, múa lửa vẫn chưa có một sân khấu riêng thực thụ tại Việt Nam, mà chỉ đứng chung sân với những thể loại khác. Bởi thế, những người theo bộ môn múa lửa gặp không ít khó khăn, cũng như hạn chế trong quá trình làm việc.

Nữ diễn viên múa lửa Thanh Xuân có những màn biểu diễn mãn nhãn người xem.

Gặp gỡ Tạ Thị Thanh Xuân (SN 1992, Bắc Giang) từng có 2 năm theo nghề múa lửa, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi những động tác uyển chuyển kết hợp với lửa của cô gái trẻ tuổi này. Cũng bởi ngoại hình xinh đẹp nên cô được người hâm mộ ưu ái đặt cho biệt danh dễ thương là “hotgirl múa lửa”.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, Thanh Xuân cho hay: “Trước đây, mỗi lần nhìn thấy các diễn viên biểu diễn trên sân khấu, làm các động tác như thổi lửa, hay dùng tay “bắt” lửa... là tôi lại thấy thích thú và tò mò. Khi đó, tôi không thể lý giải vì sao họ lại có thể làm được những động tác như thế. Vì thế, sau này, tôi quyết định theo học bộ môn múa lửa”.

Dù đam mê nhưng thời gian đầu theo học, Thanh Xuân gặp không ít khó khăn trong việc làm quen với lửa, điều khiển ngọn lửa theo ý mình. “Mới đầu, tôi lóng ngóng không biết sử dụng hay điều khiển ngọn lửa ra sao vì thế cũng có đôi lần bị bỏng”, Thanh Xuân nhớ lại.

Trong suốt cuộc trò chuyện với PV, gương mặt của Thanh Xuân luôn hiện rõ niềm trăn trở với công việc, cô cho hay: “Người xưa thường có câu “đừng đùa với lửa”, thế mà tôi lại quyết tâm theo đuổi bộ môn này. Chưa kể, múa lửa thực chất xuất phát từ biểu diễn ở đường phố, bởi vậy để mang được bộ môn này lên sân khấu chuyên nghiệp đòi hỏi cả một quá trình. Đôi lúc tôi nghĩ sao nghề này cực quá vậy nhưng đã trót “đâm lao phải theo lao””.

Cũng có đam mê với bộ môn múa lửa, anh Nguyễn Duy Khánh (SN 1986, Yên Bái) không nhớ nổi mình đã theo nghề được bao nhiêu năm. Chỉ biết rằng, cái tên “Duy Khánh múa lửa” đã được khán giả nhớ đến. Đặc biệt khi lọt vào vòng bán kết của Vietnam Got talent 2016 thì tên tuổi của anh càng trở nên hot hơn bao giờ hết.

Anh Duy Khánh nhớ lại: “Trước đây, tôi làm thợ pha chế cho một quán bar. Một hôm, tình cờ có một vị khách nước ngoài ghé qua và biểu diễn bộ môn này tại quán. Chính điều đó đã thôi thúc sự hiếu kỳ của tôi. Hôm đó, bao nhiêu câu hỏi cứ hiện lên trong đầu và tôi quyết định lên mạng xã hội tìm lời giải đáp. Sau đó, tôi tự mày mò, học từ những clip trên mạng”.

Vì đam mê, nên anh Duy Khánh đã tốn không ít thời gian để học tập, rèn luyện những kỹ năng cơ bản nhất của bộ môn múa lửa. Sau đó, anh thông qua bạn bè và tìm học từ những người đi trước mình.

Những tai nạn bất ngờ

Không biết từ khi nào, múa lửa đã thành nghề chính của anh Duy Khánh để rồi mỗi lần đứng trên sân khấu, vừa tung hứng vừa thể hiện những kỹ thuật múa lửa điêu luyện, anh càng cảm thấy yêu nghề hơn.

Trò chuyện với PV về những ngày đầu vào nghề, anh Duy Khánh nhớ lại: “Khi còn trong quán bar, những lúc cao hứng, tôi còn dùng cả những chai rượu tây đắt tiền để múa. Tuy nhiên, lúc đó vì tay nghề chưa có nên đã làm vỡ vài chai rượu ngoại. Kết quả là tôi phải bỏ tiền ra đền, khi đó, cũng xót tiền lắm”.

Trải qua những năm tháng khổ luyện, giờ đây, cái tên Duy Khánh đã trở nên quen thuộc với những người đam mê bộ môn múa lửa. Không chỉ dùng que bình thường để biểu diễn mà anh Khánh còn dùng côn để tạo ra những hiệu ứng kỹ thuật vô cùng bắt mắt mang đậm chất riêng của mình. Tuy nhiên, để có được thành công đó, anh Duy Khánh đã phải chịu không ít sự tổn hại về tinh thần.

“Nhiều người cứ nghĩ múa lửa thì có gì đâu mà gặp nguy hiểm, thậm chí còn coi lửa chúng tôi biểu diễn là giả, nhưng tôi xin khẳng định lại, múa lửa rất nguy hiểm và dễ gặp rủi ro như hít phải khói từ xăng, dầu. Đó là lý do vì sao khi đi diễn những ngày đầu tôi thường dùng một chiếc khăn bịt kín miệng”, anh Duy Khánh trải lòng.

Còn đối với Thanh Xuân, những ngày đầu theo học múa lửa cô đã trải qua đủ các kỹ thuật như lăn lửa trên các cánh tay, cánh chân, liếm lửa, thổi lửa và truyền lửa. Khi theo học, cô chỉ nghĩ để thỏa mãn đam mê, thế nhưng dần dần niềm yêu thích bộ môn này đến từ lúc nào không hay.

“Bản thân tôi xuất phát là diễn viên múa bụng nên tôi kết hợp được những động tác múa mềm mại, uyển chuyển vào với múa lửa. Tạo nên một tiết mục hoàn hảo phục vụ khán giả. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, khi đã theo nghề được 2 năm nhưng tôi chưa xác định sẽ theo nghề này lâu dài”, Thanh Xuân chia sẻ.

Nói về lý do chưa xác định theo đuổi đam mê lâu dài, Thanh Xuân ngậm ngùi: “Đối với nghệ sĩ múa lửa, việc bị bỏng tay, bỏng chân là điều khó tránh khỏi. Trên cánh tay tôi hiện cũng có vài vết sẹo do bỏng gây ra trong quá trình tập luyện cũng như biểu diễn. Nghề này nói thật rất bạc vì chưa có sân khấu riêng biệt cộng thêm mức lương rất thấp. Nếu không biến tấu mà chỉ diễn đơn thuần múa lửa thì khán giả sẽ chỉ xem một lần vì cảm thấy nhàm chán”.

Nói đến đây, giọng của Thanh Xuân chùng xuống, cô nhớ lại về một tai nạn nghề nghiệp mà mình đã từng gặp phải: “Thường đi diễn múa lửa, sẽ có một bạn trợ diễn để cầm giúp cốc xăng tạo lửa. Thế nhưng, hôm đó bạn ấy có việc bận nên tôi đành phải nhờ cô lao công cầm giúp cốc xăng. Tôi diễn trên sân khấu, còn cô lao công cầm cốc xăng cứ nghĩ đó là xăng giả nên khi tôi đưa que vẫn còn chút lửa cháy cho cô lấy xăng, lúc đó que còn lửa cô không dập đi mà nhúng thẳng vào cốc khiến ngọn lửa bùng phát. Phải đến lúc diễn xong, xuống sân khấu tôi mới biết sự cố ngoài ý muốn này. Rất may không xảy ra thiệt hại về người và tài sản vì mọi người đứng trong hậu trường đã kịp dùng bình cứu hỏa xử lý”.

Từ hôm đó, mỗi lần biểu diễn, Thanh Xuân luôn phải chọn người phụ lửa tin tưởng, tinh ý nếu không sẽ gặp phải những tình huống nguy hiểm không đáng có.

Cô gái trẻ tâm sự thêm, nghề múa lửa vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, với nữ, nguy hiểm càng tăng gấp bội: “Hằng ngày phải tiếp xúc với lửa, xăng, dầu,... rất có hại cho sức khỏe. Chưa kể, mỗi khi diễn ngoài trời gió to hay gió xoáy, tôi rất khó điều khiển ngọn lửa theo ý mình, những lúc đó lửa phả vào người, vào mặt rất nguy hiểm. Vì thế, hiện nay tôi cũng khá kén trong việc nhận show diễn, và phải nơi nào thật an toàn tôi mới đồng ý nhận lời biểu diễn”.

Trong quá trình làm nghề, với Thanh Xuân điều khiến cô cảm thấy được an ủi chính là sự cổ vũ, động viên của khán giả: “Có lần đi diễn, khán giả không tin lửa mà tôi đang cầm trên tay là lửa thật. Những lúc đó, để khán giả tin phần biểu diễn của mình, tôi đã đi thẳng xuống phía khán giả để họ kiểm tra và sau khi diễn xong nhận được những lời khen ngợi, những tràng vỗ tay tôi biết là mình đã làm tốt. Lúc đó, nước mắt chực trào vì xúc động, vì công sức mình bỏ ra đã được khán giả đón nhận”.

Không chỉ Thanh Xuân mà Duy Khánh cũng khẳng định, múa lửa là nghề vất vả, luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, tai nạn nghề nghiệp là điều khó tránh khỏi. Với họ, phải thực sự đam mê thì mới có thể cống hiến cho khán giả những màn biểu diễn đẹp mắt. Dù hiện tại, chưa biết nghề múa lửa sẽ đi về đâu và phát triển như thế nào, nhưng với hai diễn viên múa lửa này, ở đâu khán giả còn cần, còn muốn xem họ biểu diễn thì họ vẫn luôn sẵn sàng phục vụ hết mình.

Hoàng Bích

Tin nổi bật