Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện dở khóc, dở cười của những người đi vào tâm dịch sốt xuất huyết

(DS&PL) -

Trong những ngày cao điểm của dịch sốt xuất huyết, những người trực tiếp làm công việc phun thuốc muỗi, dập ổ dịch luôn rơi vào tình trạng quá tải.

Trong những ngày cao điểm của dịch sốt xuất huyết, những người trực tiếp làm công việc phun thuốc muỗi, dập ổ dịch luôn rơi vào tình trạng quá tải. Họ vất vả làm thêm giờ, không có thời gian cho gia đình, có người còn phải hy sinh chữ hiếu để làm tròn trách nhiệm được giao...

Những ca khó đỡ

Thời gian qua, sốt xuất huyết trở thành nỗi ám ảnh của đa số người dân. Theo đó, công tác phun thuốc muỗi cũng được nhiều người quan tâm hơn bao giờ hết. Có mặt tại trung tâm y tế quận Thanh Xuân (Hà Nội) vào đầu giờ chiều một ngày cuối tuần sau nhiều lần hoãn lịch, PV báo ĐS&PL được trực tiếp nghe cán bộ, công nhân-những người lao vào “tâm bão” sốt xuất huyết trải lòng về công việc phun thuốc diệt muỗi những ngày qua.

Anh Hùng chia sẻ với PV về công việc đi phun thuốc muỗi.

Với khuôn mặt rám nắng, bộ quần áo bảo hộ ướt đẫm mồ hôi, anh Nguyễn Viết Hùng (SN 1990), cán bộ xử lý dịch tại trung tâm (người phụ trách kỹ thuật pha thuốc, phun thuốc muỗi- PV) cho hay: “Tôi vừa cùng anh em trở về từ “tâm bão” mới của sốt xuất huyết. Mấy hôm nay, dịch lan rộng nên công việc vất vả hơn nhiều. Tới giờ này anh em chúng tôi vẫn chưa được ăn cơm trưa”.

Theo lời anh Hùng, tháng Tư trở lại đây anh và các đồng nghiệp làm việc hết công suất. Ngay cả thứ Bảy, Chủ nhật cũng không có thời gian nghỉ ngơi: “Tôi có 5 năm công tác trong lĩnh vực xử lý dịch. Thường ngày, nếu không có dịch chúng tôi chỉ làm giờ hành chính nhưng mấy tháng nay, chúng tôi liên tục tăng ca”.

Cũng theo anh Hùng, hơn 3 tháng nay, anh chưa được ăn một bữa cơm trọn vẹn cùng gia đình. Khi trở về nhà, vợ con anh chìm vào giấc ngủ, nhiều khi thương vợ con nhưng vì công việc nên anh đành chấp nhận.

Anh Hùng cho hay, những ngày đi phun muỗi cùng các công nhân, anh và mọi người ngoài muôn vàn nỗi nhọc nhằn, khi đến tận nhà các hộ dân phun muỗi, còn gặp phải những tình huống trớ trêu.

Anh Hùng kể: “Trước khi xuống phun muỗi tại các tổ dân phố, chúng tôi đã thông báo đến các hộ dân. Thế nhưng, có hộ yêu cầu chúng tôi phải phun từ lúc 6h sáng để họ còn đi làm. Hoặc có hộ dân khó tính, nhất quyết không cho chúng tôi phun. Chưa hết, có gia đình kiêm luôn nhiệm vụ chỉ đạo thợ phải phun theo ý họ, có người còn nói: “Phải làm thế này này, phun thế làm sao muỗi chết được””.

Những lúc người dân gây khó dễ, anh Hùng luôn là người đứng ra giải thích về kỹ thuật. Vị cán bộ xử lý dịch này cũng cho biết thêm, có hôm anh còn phải nhận những lời văng tục khó nghe từ chủ nhà. Bởi, có người đi làm ban đêm về ban ngày họ dở giấc ngủ hay gia đình có em bé, tiếng máy phun muỗi to khiến bé giật mình thì những cán bộ làm công tác xử lý dịch như anh cũng phải hứng chịu những lời nói khiếm nhã.

“Hay có lần đi phun, có gia đình nói là không ai ở nhà cứ vào phun thoải mái, khi chúng tôi vừa phun được vài cái thì một cô gái trùm kín chăn chạy ra khỏi nhà, cô vừa chạy vừa la lớn. Lúc đó chúng tôi được phen đỏ mặt, nhưng cũng may là mới chỉ phun nên hơi thuốc chưa có nhiều”, anh Hùng nhớ lại.

Công nhân đi phun thuốc chống muỗi vừa vì trách nhiệm và cũng vì hai chữ “mưu sinh”.

Anh Đức (quê Bắc Giang), người có 6 năm kinh nghiệm làm công nhân phun thuốc muỗi tại trung tâm y tế quận Thanh Xuân lại trăn trở: “Những ngày dịch lan rộng là những ngày chúng tôi mất ăn, mất ngủ. Dù thế, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực làm tốt công việc của mình”.

Cũng theo anh Đức, ngoài việc đi sớm về khuya, công việc của anh cũng có không ít nỗi nhọc nhằn: “Thử tưởng tượng đeo chiếc bình phun muỗi nặng 20kg, leo lên khắp các tòa nhà cao tầng hay nhà dân trong hẻm cũng tốn nhiều công sức. Tới nơi phải thở hổn hển một lát rồi mới bắt đầu công việc. Những ngày cao điểm chúng tôi phải phun mỗi người 4 bình/buổi sáng và dao động phun được khoảng 40 nhà”.

Với anh Đức, quá trình làm việc cũng gặp không ít tình huống oái oăm: “Có gia đình nhà chật, gác xép bé, chúng tôi nói như thế này thì không thể lên được. Dù giải thích, nhưng họ vẫn một mực bắt chúng tôi leo lên, cuối cùng, vất vả leo lên, nhưng mãi mới xuống được. Khi đó, họ mới gật gù: “Ừ nhỉ””.

“Bất chấp” độc hại

Sáu năm theo nghề công nhân phun thuốc muỗi, anh Đức cho biết, trung bình một buổi phun của anh được 250 nghìn đồng. Số tiền này không lớn nhưng cũng không phải nhỏ đối với một người lao động chân tay như anh.

“Mỗi lần đi phun muỗi, người thợ như chúng tôi phải vác bình phun nặng nhọc trên vai. Nếu hộ dân có ý thức, họ sẽ hợp tác để công việc suôn sẻ. Nhưng có những hộ dân khá “lầy” khi liên tục thất hứa hoặc cao su giờ giấc, khi đó, chúng tôi đành ngậm ngùi vác bình quay về”, anh Đức cho biết.

Chưa kể, làm công việc này thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất nên ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Dù thế, với những người đã theo nghề vẫn kiên quyết bám trụ.

Anh Đức bộc bạch: “Làm việc tiếp xúc với hóa chất độc hại tất nhiên ai cũng sợ. Cũng nhiều lần bố mẹ và vợ khuyên tôi nên tìm việc khác nhưng vì mưu sinh và tâm niệm làm như vậy là để giúp đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân nên tôi quyết tâm gắn bó”.

Còn anh Hùng nhìn nhận: “Công việc nào cũng có vất vả riêng, chúng tôi cũng đã có đồ dùng bảo hộ, việc độc hay không không thể biết được trong một vài năm mà cần thời gian. Thế nhưng, nếu chúng tôi không làm thì ai sẽ làm đây?”.

Anh Hùng tâm sự thêm, nhiều lúc tình cảm của người dân khiến anh cảm thấy ấm lòng và yêu nghề hơn: “Có những hộ gia đình họ xin nghỉ làm để ở nhà chờ đoàn phun muỗi xuống. Cũng có những gia đình ban ngày đi làm không có nhà, thậm chí còn đi cả xe ô tô lên trung tâm, nhờ chúng tôi qua phun giúp, những lúc như vậy thấy công việc mình làm có nhiều ý nghĩa”.

Say mê với công việc, nhưng có lúc anh Hùng cũng cảm thấy xót xa khi chưa chu toàn với gia đình. Anh ngậm ngùi nhớ lại: “Những ngày cao điểm, tôi làm việc liên tục không ngừng nghỉ, khi đó bố tôi bị suy thận nặng phải vào viện cấp cứu, dù biết tin nhưng tôi không thể rời khỏi công việc. Những ngày sau đó, tôi chỉ tranh thủ vào thăm bố được vài giờ... Bố qua đời rồi, tôi mới thấy mình chưa làm tròn đạo hiếu, tôi thật sự khổ tâm! Tôi nhớ, khi bố còn sống, bố luôn động viên tôi hoàn thành tốt công tác xã hội... Vì lời dặn dò đó, tôi hứa sẽ cố gắng để làm tốt nhiệm vụ được giao”.

Với anh Hùng, anh Đức hay bất cứ ai làm công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, họ đều đặt trách nhiệm vì nhân dân phục vụ lên hàng đầu. Dù đôi lúc họ phải nhận những lời nói khó nghe nhưng vẫn cố gắng gạt bỏ tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hoàng Bích

Tin nổi bật