Kết tinh từ những mảnh đất màu mỡ của núi rừng Tây Bắc, gạo nếp nương Điện Biên mang trong mình vị dẻo, ngọt và hương thơm rất khó quên.
Trong nền văn minh lúa nước sông Hồng, gạo là sản phẩm quý nhất trong số những sản vật nuôi trồng, được ví như ngọc thực. Trong đó, gạo nếp là thứ gạo chỉ dùng để đồ xôi, làm bánh trong những dịp lễ Tết, dịp có việc quan trọng của gia đình (ma chay, cưới xin, giỗ chạp), …
Ở những vùng quê thông thường, người ta cấy nếp hương. Nếp hương có mùi thơm đến mức: thơm từ thời con gái đến thời ra đòng, trổ bông, cho đến khi vào mẩy, chín vàng. Những ai ở vùng nông thôn sẽ hiểu thế nào là cảm giác đi qua ruộng lúa nếp hương khi có cơn gió tạt qua mũi mùi hương dịu dàng của lúa nếp.
Tuy nhiên, trong số rất nhiều những loại gạo nếp được sử dụng phổ biến trên khắp cả nước, có lẽ gạo nếp nương Điện Biên là sản phẩm nổi tiếng nhất. Chỉ cần nhắc đến cái tên Điện Biên thôi đã đủ để người ta tin tưởng vào chất lượng của loại gạo nếp nơi đây.
Có lẽ vì được trồng trên nương, uống nước núi rừng nên không phải chỉ khi nấu mới có mùi thơm, mà từ khi còn là hạt gạo, nếp nương Điện Biên đã mang trong mình một mùi hương thoang thoảng. Thơm, mềm, dẻo, ngọt, gạo nếp nương được coi là loại ngon nhất nhì trong các giống nếp là vì thế.
Gạo nếp nương Điện Biên có hình mẩy, dài, màu trắng sữa, nhìn bề ngoài có nét thô, mộc mạc như tấm lòng chân thành và hiếu khách của người Tây Bắc. Nấu gạo nếp nương Điện Biên thành xôi có cảm giác như xôi không được kết dính lắm, hạt gạo không nở nhiều như các loại nếp khác. Nhưng khi ăn vào, mới thấy hết vị ngọt, sự dẻo, thơm trong hạt cơm và mềm mãi ngay cả khi để nguội cả hai ba ngày sau.
Cây lúa nếp Điện Biên được trồng theo lối canh tác truyền thống từ xưa, tưới tiêu tự nhiên, không bón phân vô cơ hay phun thuốc trừ sâu cộng thêm được "uống nước" của núi rừng, cùng với khí hậu đặc trưng của Tây Bắc nên lúa nếp nương thường săn, chắc, thơm vô cùng.
Nếp nương Điện Biên gắn liền với tên tuổi nhiều đặc sản nổi tiếng
Vào những ngày lễ, Tết, người dân Điện Biên thường dùng loại gạo này làm bánh chưng nếp nương lá riềng, xôi ngũ sắc, bánh dày,…
Với nguyên liệu ngon như vậy thì tất nhiên sẽ làm ra món xôi nếp khó cưỡng. Xôi nếp nương Điện Biên có vị ngọt, dẻo, thơm lừng trong từng hạt và dù có bị nguội thì hạt xôi cũng không hề bị cứng khi ăn. Bên cạnh xôi trắng, người ta còn tạo màu sắc sặc sỡ cho xôi bằng cách lấy các loại cây rừng để tạo màu vàng, tím, xanh, đỏ giúp món xôi trở nên hấp dẫn hơn.
Bên cạnh món xôi ngũ sắc, thì nếp nương Điện Biên nổi tiếng gắn liền tên tuổi với bánh chưng nếp nương lá riềng. Bánh có màu xanh mướt tự nhiên từ trong ra ngoài do gạo được làm từ gạo nếp nương ngâm nước cốt lá riềng. Bánh rất dẻo, nhân bánh được làm từ thịt lợn sạch thái miếng to bản, mỡ không béo, được bọc trong lớp đỗ xanh đồ nhừ, giã nhuyễn tạo cho vị bánh ngon và có mùi thơm đặc trưng.
Khâu chế biến được tiến hành một cách chỉn chu, tỉ mẩn từ cách làm lá, lạt cho đến gạo, thịt, đỗ và cách luộc,… tất cả đều theo công thức gia truyền không đâu có. Bởi vậy, bánh chưng được rất nhiều người trong và ngoài nước ưa chuộng, từ hình thức cho tới chất lượng, mùi vị.
Sinh trưởng và phát triển trên chất đất màu mỡ của núi rừng, cộng với khí hậu đặc trưng của Tây Bắc, lúa nếp nương Điện Biên là sự kết tinh những tinh hoa của đất trời Tây Bắc. Có lẽ nếu đã một lần đến đây chắc chắn sẽ còn lưu luyến mãi cái hương vị thơm, ngậy đậm đà bản sắc vùng Tây Bắc từ những món ăn làm từ gạo nếp nương.
Nguyễn Hà (T/h)