(ĐSPL) - Các nước Liên minh Châu Âu nhóm họp ở Brussels trong ngày 3/3 để bàn về cách xử sự với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Liên minh Châu Âu cần quyết định liệu có cứu giúp Ukraine đang đứng trên bờ vực phá sản hay không và điều quan trọng nhất là xử sự thế nào với Nga. Có nên trừng phạt Nga vì chuyện Crimea hay không? Nếu có, thì bằng cách nào?
|
EU làm gì tại “Hội nghị thượng đỉnh Ukraine”? |
Về phần mình Moscow không hề ảo tưởng rằng Brussels sẽ thoát khỏi ảnh hưởng của “cơn thần kinh chống Nga” và nghe theo tiếng nói của lý trí lành mạnh: tính đến lập trường của Moscow, mối lo ngại địa chính trị hợp lý của Nga, quyền lợi của dân tộc thiểu số nói tiếng Nga ở Ukraina… EU không thể và không muốn làm như vậy. Ngoài ra, để duy trì “cơn cuồng loạn” chống Nga, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã tới châu Âu. Ông này đã đến Quảng trường Maidan ở Kiev và một lần nữa tuyên bố rằng Nga sẽ hoàn toàn bị cô lập và bị trừng phạt, nếu không hành xử theo cách mà Mỹ muốn.
Trừng phạt dưới dạng nào đó là hầu như không tránh khỏi. Có lẽ là dưới hình thức tượng trưng ít ý nghĩa bằng cách đóng băng cuộc đàm phán về đơn giản hoá thủ tục trao đổi thị thực từ lâu vẫn bế tắc, chứ ít có khả năng động chạm đến thương mại.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo Châu Âu: “Về các biện pháp trừng phạt, những ai sắp tiến hành động thái này cần suy nghĩ về hậu quả. Tôi cho rằng trong thế giới đương đại ngày nay, khi mọi thứ đều ràng buộc với nhau và phụ thuộc vào nhau thế này hay thế khác, người ta có thể gây thiệt hại nào đó cho nhau, nhưng sẽ là thiệt hại chung. Đây là điều cũng phải tính đến”.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Đức DPA, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz tuyên bố: “Chúng ta không tiếp nhận Ukraine theo kiểu phương Tây, mà hãy nhìn vào đất nước này với con mắt của chính người dân Ukraine”. Theo ông, như vậy sẽ giúp "nhìn thấy bức tranh đa dạng về quyền lợi kinh tế, sắc tộc và lịch sử của đất nước này”. Hiện thời những tuyên bố nghiêm túc như thế này chưa phải là nhiều, mặc dù đang tăng nhanh.
Hiện tại vẫn còn khá phổ biến tình trạng hỗn độn “nửa sự thật, nửa dối trá”. Nhà phân tích Aleksei Kuznetsov - lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu châu Âu của Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế IMEMO (Viện Hàn lâm khoa học Nga) - nhận xét: “Đáng tiếc là trong nhiều năm qua, Liên minh Châu Âu và một số nước thành viên cũng như Mỹ đã không ngừng thi hành chính sách ‘ lá mặt, lá trái’ trong quan hệ với Nga. Người ta đã lừa dối quá nhiều lần. Chúng ta bị lừa dối về đơn giản hóa chế độ thị thực với EU. Chúng ta bị lừa dối về việc mở rộng NATO về phía đông, mà thực sự gây ra mối đe dọa cho Nga. Hóa ra những hành động ngoại giao gần đây từ phía các đối tác phương Tây chỉ là một sự bao biện cho mong muốn mang vũ khí hạt nhân của Mỹ đến gần Moscow”.
Như thừa nhận của báo Guardian của Anh, đằng sau cuộc khủng hoảng Ukraine là ý đồ tiếp tục mở rộng NATO về phía đông, đến vùng lãnh thổ mà cách đây chưa lâu còn được gọi là "không gian hậu Liên Xô”. Không cần nghi ngờ gì nữa, trong tâm trí Lầu Năm Góc vẫn ấp ủ giấc mơ rằng sẽ có ngày tàu chiến của Hải quân Mỹ sẽ chiếm chỗ Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol và Balaclava”.
Dù sao đi chăng nữa, Liên minh Châu Âu cần suy nghĩ về câu hỏi sau đây: Có đáng để cho những kẻ mà Mỹ đưa lên nắm quyền tại Kiev phá hỏng mối quan hệ với Nga? Có nên áp dụng biện pháp trừng phạt nào đó chống Nga, để nhận lấy phản ứng đáp trả lập tức? Liệu có tránh khỏi sự sụp đổ tất yếu trong giao thương với đối tác lớn nhất và sau đó là sự sụp đổ của toàn bộ nền kinh tế đang chật vật phục hồi?
Văn Linh (theo Tiếng nói nước Nga)