Báo Xây dựng đưa tin, ngày 4/7, thông tin từ Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và điều trị thành công một trường hợp bệnh nhân phản ứng da do thuốc nặng, tổn thương niêm mạc và tổn thương da diện rộng và sức khỏe toàn thân nghiêm trọng, sau khi sử dụng các sản phẩm "giảm mỡ bụng" và "collagen" không rõ nguồn gốc.
Theo đó, bệnh nhân L.T.A.T (40 tuổi, trú tại phường Hạnh Thông, TP.HCM) nhập viện tại Khoa Da liễu – dị ứng, Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng mệt mỏi, sốt cao kéo dài kèm theo những tổn thương da đặc trưng và nghiêm trọng khắp cơ thể.
Người phụ nữ nguy kịch sau khi dùng thuốc giảm cân thải độc, collagen "trôi nổi". Ảnh: Báo Xây dựng.
Các ban đỏ lan rộng ở mặt, tay chân, thân mình; nhiều sẩn mụn mủ viêm, mụn nước rải rác vùng mặt; đặc biệt là tình trạng đau rát niêm mạc miệng họng khiến việc ăn uống trở nên khó khăn.
Khai thác bệnh sử cho thấy, trước đó khoảng một tháng, bệnh nhân được người quen giới thiệu và mua các sản phẩm được quảng cáo là "thuốc giảm mỡ bụng và collagen" không rõ nguồn gốc từ nước ngoài.
Với mục đích giảm cân, thải độc, tăng cường miễn dịch và cải thiện làn da, bệnh nhân tự ý sử dụng các sản phẩm này với giá khoảng 300.000 – 400.000 đồng/hộp.
Sau 1 tháng dùng, các nốt ban đỏ bắt đầu xuất hiện ở hai tay, sau đó nhanh chóng lan rộng ra chân, mặt và toàn thân, xuất hiện mụn nước, trợt loét ở môi, niêm mạc miệng họng viêm xung huyết, kèm theo cảm giác ngứa, đau rát tại tổn thương da, cơ thể mệt mỏi và sốt nóng, ăn uống kém.
Tại bệnh viện, các bác sỹ ghi nhận khắp cơ thể chị T xuất hiện những tổn thương da điển hình của phát ban dạng dát sẩn và hồng ban.
Kết quả xét nghiệm của người bệnh cũng cho thấy nhiều chỉ số bất thường đáng báo động như: Bạch cầu tăng cao, men gan tăng (cho thấy gan bị tổn thương), suy giảm chức năng thận, các chỉ số viêm đều tăng. Bệnh nhân được chẩn đoán phát ban dạng dát sẩn - hồng ban đa dạng nghi do dị ứng thuốc giảm mỡ, collagen chưa rõ nguồn gốc trên nền tăng huyết áp.
Khắp cơ thể chị T xuất hiện những tổn thương da điển hình của phát ban dạng dát sẩn và hồng ban. Ảnh: Báo Xây dựng.
Bệnh nhân có nguy cơ diễn tiến thành hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell - là những thể nặng của dị ứng thuốc có tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
Sau gần 2 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân dần phục hồi, hết sốt, ăn uống khá hơn, sang thương da và niêm mạc cải thiện dần; bệnh tiến triển tốt, sức khỏe ổn định và đã được xuất viện.
Trao đổi trên Vietnamplus, bác sĩ Danh Bảo Khánh, Khoa Da liễu - Dị ứng, Bệnh viện Quân y 175 khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào, dù là theo lời khuyên của người quen hay các quảng cáo hấp dẫn trên mạng xã hội. Thuốc chỉ nên dùng khi thực sự cần thiết và phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sỹ. Còn thực phẩm chức năng cần được sử dụng một cách thận trọng, chỉ khi cơ thể thật sự cần bổ sung và phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc, chất lượng, cũng như có sự tư vấn y tế đầy đủ.
“Dị ứng thuốc có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ thời điểm nào và diễn tiến có thể rất nhanh, nguy hiểm. Khi có dấu hiệu bất thường như phát ban, sốt, nổi mụn nước, loét miệng, người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời”, bác sĩ Danh Bảo Khánh cảnh báo.