Đóng

Dựng kịch tinh vi, lừa đảo 1,5 tỷ bằng "sổ đỏ giả" và "bố vợ hờ", bạn thân lĩnh 14 năm tù

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Để lừa đảo và chiếm đoạt hàng tỷ đồng từ những người cả tin, Thành đã vạch ra một kế hoạch tinh vi, trong đó có việc thuê một người đánh giày đóng giả bố vợ mình.

Báo An ninh Thủ đô cho biết, ngày 4/7, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đưa ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Thành (sinh năm 1988, ở Hà Nội) 11 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh là 14 năm tù.

Quá trình xét xử cho thấy, Nguyễn Đức Thành là bạn học với anh Chu Văn T. (ở Nghệ An). Tháng 5/2023, Thành 2 lần hỏi vay anh T. 800 triệu đồng để giải quyết công việc gia đình. Cả hai khoản vay này Thành đã thanh toán đủ cả tiền gốc, lãi và tạo được niềm tin với anh T.

Đến ngày 12/5/2023, Thành tiếp tục hỏi vay anh T. 2 tỷ đồng với lãi suất 1.500 đồng/1 triệu đồng/1 ngày. Do số tiền lớn nên anh T. yêu cầu bị cáo phải có tài sản đảm bảo và viết giấy vay tiền. Khi đó, Thành không có tài sản bảo đảm nên đã nảy sinh ý định làm giả sổ đỏ để thế chấp cho anh T.

Thành tìm kiếm trên mạng, quét mã QR và nhắn tin đặt hàng làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Đồng Văn Hưng và Phan Thị Ngữ (bố mẹ vợ của Thành) với thông tin sở hữu căn hộ ở Hà Nội. 

Bị cáo Nguyễn Đức Thành tại phiên tòa. Ảnh: Vietnamnet.

Sau đó, người chạy Grab mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến giao cho Thành với chi phí 2 triệu đồng. Ngoài ra, Thành còn mua sim điện thoại khuyến mại, thuê người đánh giày viết giấy vay tiền với chi phí 200.000 đồng. Thành còn trả thêm cho người này 200.000 đồng và xin số điện thoại để phòng trường hợp nếu anh T có yêu cầu gọi điện thoại xác nhận thì Thành sẽ gọi cho người này đóng giả làm bố vợ bị cáo. 

Sau khi có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả và giấy vay tiền do người đánh giày viết, bị cáo Thành hẹn gặp anh T. để thế chấp vay tiền. 

Khi gặp nhau, Thành đưa 2 giấy tờ trên cho anh T. xem. Lúc đó, anh T. nói chỉ có thể cho vay 1,5 tỷ đồng và bị cáo Thành gật đầu đồng ý. Anh T. yêu cầu Thành gọi điện cho bố vợ để xác nhận thông tin người vay. 

Thành đã gọi điện cho người đánh giày, bật loa ngoài và nói: “Nhờ bố xác nhận việc con mượn bìa của bố để vay tiền”. Đầu dây bên kia, người đánh giày vì đã được dặn trước nên nhanh chóng “vào vai”, đáp rằng: “Ừ, đúng”.  Thành nói tiếp: “Nhờ bố đọc số chứng minh nhân dân và thông tin tài sản để xác nhận” thì người đánh giày đọc đúng các nội dung ghi trên giấy chứng nhận sử dụng đất như Thành đã trao đổi trước đó. 

Tin tưởng bị cáo, từ ngày 14/5- 16/5/2023, anh T. đã chuyển khoản cho Thành vay 1,5 tỷ đồng. Thành dùng số tiền trên chi tiêu cá nhân. Một tháng sau, bị cáo thanh toán tiền lãi là 67,5 triệu đồng rồi cắt đứt liên lạc và bỏ trốn.

Sau khi biết mình bị lừa, ngày 21/9/2023, anh T. gửi đơn tố cáo Thành đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội. Tại cơ quan điều tra, Thành khai không quen biết, không còn nhớ số điện thoại của người đánh giày nên công an không có cơ sở xác minh làm rõ để xử lý, theo Vietnamnet.

Quá trình điều tra, gia đình Thành mới trả cho anh T được 400 triệu đồng.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Thành 11 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 3 năm tù về tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt cả hai tội danh, Thành phải thi hành 14 năm tù. 

Về dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo phải hoàn trả tiếp số tiền 1,1 tỷ đồng còn chiếm đoạt của bị hại.

Tin nổi bật