Theo Phụ nữ TP.HCM, ngày 4/7, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho biết, đơn vị này vừa cấp cứu một bệnh nhân nữ (50 tuổi), nhập viện trong tình trạng mệt lả, buồn nôn, nôn nhiều, tê lưỡi và tê bì chân tay.
Khai thác tiền sử, trước đó khoảng 1 giờ, bệnh nhân này ăn cháo tự nấu có chứa hai củ ấu tẩu.
Không nên tự chế biến củ ấu tẩu nếu không biết cách loại bỏ độc tố. Ảnh minh họa.
Sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc củ ấu tẩu. Kết quả điện tâm đồ ghi nhận, bệnh nhân có rối loạn nhịp tim do ngoại tâm thu nhĩ. Ngay lập tức, các y bác sĩ đã tiến hành truyền dịch, rửa dạ dày, sử dụng thuốc chống loạn nhịp tim và theo dõi sát các chỉ số sinh tồn.
Nhờ được xử trí kịp thời, đến chiều cùng ngày, bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị và dần hồi phục sức khỏe.
VietNamNet dẫn lời bác sĩ Nguyễn Huy Long, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Thận nhân tạo, Trung tâm Y tế Cẩm Khê, củ ấu tẩu chứa độc tố Aconitin, một chất cực kỳ nguy hiểm. Chỉ một lượng nhỏ Aconitin cũng có thể gây tử vong, 1mg có thể gây ngộ độc nặng, 2-3mg đủ khiến một người trưởng thành tử vong.
Aconitin gây độc trên tim, thần kinh và tiêu hóa, tác động rất nhanh. Các triệu chứng có thể xuất hiện trong vòng vài giờ sau khi uống dịch chiết hoặc ăn củ, rễ, lá cây ấu tẩu. Bệnh nhân sẽ có cảm giác tê bì môi, lưỡi, chân, tay, thậm chí toàn thân, đau bụng, nôn, tiêu chảy.
Biểu hiện nguy hiểm nhất của ngộ độc Aconitin là loạn nhịp tim, ngoại tâm thu thất, trường hợp nặng là ngoại tâm thu thất đa ổ, nhịp nhanh thất, xoắn đỉnh, rung thất và tử vong.
Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên tự chế biến củ ấu tẩu nếu không biết cách loại bỏ độc tố; Tuyệt đối không được uống rượu ngâm củ ấu tẩu, sẽ bị ngộ độc có thể dẫn đến tử vong.
Các loại rượu ngâm củ ấu tẩu dùng để xoa bóp phải dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, để xa tầm tay trẻ em và tránh nhầm lẫn khi sử dụng.
Khi sử dụng các bài thuốc có thành phần từ ấu tẩu, cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của thầy thuốc có chuyên môn.