Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, khoa Tiêu hóa của bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp bé P.P.K. (12 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng nguy hiểm do nuốt một cây kim băng.
Trước đó, gia đình phát hiện bé đang ngậm một cây kim băng, trong lúc hoảng hốt tìm cách lấy ra đã vô tình đẩy dị vật vào sâu hơn trong họng. Bé được đưa đến bệnh viện tuyến huyện, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 vào giờ thứ 9 sau khi nuốt dị vật.
Tại Khoa Cấp cứu, qua thăm khám và hình ảnh nội soi, bác sĩ phát hiện cây kim băng dài khoảng 3 cm, đã bung ra thành hình chữ L và đầu nhọn đang ghim vào thành thực quản – gây nguy cơ thủng, chảy máu và nhiễm trùng rất cao.
Ngay lập tức, ê-kíp bác sĩ thuộc các chuyên khoa Tiêu hóa – Tai Mũi Họng – Ngoại khoa đã được huy động, hội chẩn và chuẩn bị các phương án can thiệp.
Cây kim băng dài khoảng 3 cm, đã bung ra thành hình chữ L. Ảnh: BVCC.
Với sự khéo léo và phối hợp nhịp nhàng, các bác sĩ đã lấy dị vật thành công bằng phương pháp nội soi, tránh được một cuộc phẫu thuật phức tạp cho bé.
BS.CKII Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: "Dị vật đường tiêu hóa là tai nạn phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong các kỳ nghỉ khi trẻ ở nhà nhiều hơn và ít được giám sát. Những dị vật nguy hiểm thường gặp gồm: pin nút áo, nam châm, vật sắc nhọn, vật có kích thước lớn (trên 2,5 cm với trẻ dưới 5 tuổi, trên 5 cm với trẻ lớn)."
Theo các bác sĩ, khi nghi ngờ trẻ nuốt dị vật, cha mẹ tuyệt đối không nên cố móc họng lấy ra, bởi hành động này dễ khiến dị vật trượt vào sâu hơn hoặc làm tổn thương vùng hầu họng. Ngoài ra, không được gây nôn vì nguy cơ dị vật đi lạc vào đường thở, gây hít sặc và nguy hiểm đến tính mạng.
Cách xử trí đúng là nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử lý kịp thời bằng các phương pháp phù hợp như nội soi hoặc phẫu thuật nếu cần thiết.