Đóng

Ăn gì ngăn ngừa cục máu đông, phòng đột quỵ?

  • Thùy Dung (T/H)
(DS&PL) -

Quế, nghệ, tỏi, gừng và trà xanh không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn chứa các hợp chất làm loãng máu tự nhiên, giúp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.

Theo VnExpress, máu đặc hoặc tình trạng đông máu có thể cản trở nguồn cấp dinh dưỡng, oxy đến các mô, tế bào não, từ đó tăng nguy cơ hình thành cục máu đông dẫn đến đột quỵ. Dưới đây là một số thực phẩm hỗ trợ phòng ngừa các tình trạng này.

Quế giúp tăng hương vị cho món ăn, các loại trà, chứa hợp chất coumarin được sử dụng trong sản xuất thuốc chống đông máu. Gia vị này cũng hỗ trợ kiểm soát huyết áp, hạn chế tình trạng viêm trong cơ thể.

 

Tỏi có tác dụng làm loãng máu tự nhiên nhờ hợp chất lưu huỳnh, tăng cường sức khỏe mạch máu. Ăn 1-2 tép tỏi mỗi ngày hoặc thêm vào các món ăn để tận dụng các lợi ích tiềm năng của loại củ này.

Gừng chứa salicylate có thể giúp phòng tránh tình trạng đông máu, hỗ trợ phòng đột quỵ và đau tim. Gingerol có trong gừng cũng góp phần ngăn kết dính tiểu cầu trong máu nhờ đó giảm nguy cơ đông máu.

 

Nghệ cung cấp cucumin là thành phần hoạt tính có tác dụng ức chế sự hình thành cục máu đông. Các đặc tính y học của nó cũng có thể làm giảm cơn đau do đông máu. Uống sữa nghệ vào buổi sáng hoặc thêm vào các món ăn để không bỏ lỡ lợi ích dinh dưỡng từ loại gia vị này.

Trà xanh hay trà matcha hữu cơ làm từ lá trà có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, nhất là EGCG. Những chất này có khả năng làm giảm đáng kể mức cholesterol, có thể dẫn đến mảng bám hình thành trong động mạch. Quá nhiều mảng bám tích tụ sẽ làm hẹp động mạch, cản trở lưu lượng máu. Chúng cũng có thể bị bong ra, tạo thành cục máu đông.

Thực phẩm giàu kali như chuối, quả bơ, bí ngô, khoai tây… có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp, nhịp tim, duy trì quá trình lưu thông máu ổn định. Thêm các thực phẩm này vào chế độ ăn hàng tuần có thể góp phần phòng nguy cơ đột quỵ. 

Biện pháp giúp ngăn ngừa cục máu đông

Tập thể dục mỗi ngày để máu lưu thông, ngăn ngừa cục máu đông

Tập thể dục thường xuyên giúp ngăn ngừa gây ra cục máu đông. Nên tập thể dục 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần, tổng cộng 150 phút mỗi tuần. Tốt nhất là các bài tập aerobic giúp tim bơm máu nhanh hơn như đi bộ, đạp xe, bơi lội...

Bên cạnh đó, hãy đứng dậy và đi bộ sau mỗi 30-60 phút để kích thích lưu lượng máu nếu bạn phải ngồi lâu do công việc đòi hỏi hay đang trong một chuyến đi dài do việc ngồi lâu có thể gây nguy cơ bị đông máu cao hơn.

Co duỗi bàn chân và cẳng chân

Nếu không thể đứng dậy, chẳng hạn như khi đang trên máy bay, bạn vẫn có thể thực hiện một số bước để kích thích lưu thông máu như thử ngọ nguậy các ngón chân, xoay cổ chân, di chuyển chân lên xuống nhiều nhất có thể.

Nếu bạn có đủ chỗ, hãy thử kéo chân lên ngang ngực giúp kéo dài toàn bộ phần dưới cơ thể, giúp máu lưu thông tốt hơn. Ngoài ra, thay đổi tư thế ngồi thường xuyên như chuyển áp lực từ bên này sang bên kia cơ thể, dựa vào tay vịn, nhấc một chân... cũng có tác dụng ngăn máu tụ.

Tránh ngồi bắt chéo chân

Bắt chéo chân sẽ cắt đứt sự lưu thông ở phần dưới cơ thể và khiến bạn có nguy cơ bị cục máu đông ở chân cao hơn. Chỉ ngồi bắt chéo chân trong vài phút mỗi lần, sau đó bỏ chân ra để duy trì lưu thông máu.

Sau khi thả lỏng chân, hãy thử ngọ nguậy bàn chân một chút để kích thích lưu thông máu trở lại.

 Mang tất nén

Tất nén được thiết kế để tạo áp lực lên chân và áp lực này có thể giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Những chiếc tất này cũng có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng ở những người đã có cục máu đông.

Bên cạnh đó, bạn nên uống đủ nước mỗi ngày, thực hiện chế độ ăn hạn chế muối và tránh chấn thương... để giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông, thông tin trên Sức khỏe & Đời sống.

Tin nổi bật