Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dùng nhục hình ép nhận “giết người”: Đề nghị truy tố 2 công an

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Tại cơ quan công an, những nghi can trên đều không thừa nhận đã giết người. Sau đó, hai cán bộ Quân và Hưng đã đánh, ép các nghi can phải nhận tội.

(ĐSPL) - Tại cơ quan công an, những nghi can trên đều không thừa nhận đã giết người. Sau đó, hai cán bộ Quân và Hưng đã đánh, ép các nghi can phải nhận tội.
Theo tin tức trên báo Tiền Phong, ngày 31/3, Cơ quan điều tra - Viện KSND Tối cao đã ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố 3 bị can nguyên là cảnh sát, kiểm sát viên tỉnh Sóc Trăng về tội danh “dùng nhục hình và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo đó, bị can Nguyễn Hoàng Quân (SN 1977) và Triệu Tuấn Hưng (SN 1981), nguyên cán bộ Công an tỉnh Sóc Trăng bị đề nghị truy tố về tội “dùng nhục hình”; còn bị can Phạm Văn Núi (SN 1958), nguyên kiểm sát viên Viện KSND tỉnh Sóc Trăng về tội “thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng”.
Liên quan đến vụ án trên, có 25 cán bộ chiến sỹ thuộc Công an Sóc Trăng bị kỷ luật, kiểm điểm. 
Theo báo Tuổi Trẻ, kết luận điều tra nêu rõ vào ngày 6/7/2013, tại địa bàn ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng xảy ra một vụ chết người chưa rõ nguyên nhân.
Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra xác định nạn nhân là ông Lý Văn Dũng (trú thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề) và vụ việc có dấu hiệu “giết người”. Do đó, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã khởi tố vụ án để điều tra làm rõ.
Qua điều tra truy xét, ngày 10/7/2013, cơ quan điều tra Công an Sóc Trăng đã triệu tập và lưu giữ các nghi can Thạch Sô Phách, Trần Hol và Trần Cua.
Tiếp đó, cơ quan điều tra triệu tập Nguyễn Thị Bé Diễm, Trần Văn Đở để làm rõ.
Trên cơ sở lời khai các cá nhân trên, cơ quan điều tra đã lập biên bản "tự thú" đối với anh Thạch Sô Phách và chị Nguyễn Thị Bé Diễm, ra lệnh bắt khẩn cấp Trần Văn Đở, Trần Hol, Trần Cua, Thạch Mươl, Khâu Sóc.
Sau đó, 6 bị khởi tố và tạm giam về tội “giết người", riêng Nguyễn Thị Bé Diễm bị khởi tố tội “không tố giác tội phạm”.
Trong khi vụ án đang được điều tra thì ngày 18/11/2013, Lê Mỹ Duyên (15 tuổi, trú tại TP Rạch Giá, Kiên Giang) ra đầu thú và ngày 21/11/2013, Phan Thị Kim Xuyến (17 tuổi, trú tại thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề) ra tự thú vì đã giết nạn nhân Lý Văn Dũng để cướp tài sản.
Lời khai của hai nghi phạm này phù hợp với vụ việc nạn nhân bị giết. Cơ quan điều tra sau đó đã khởi tố bị can đối với Phan Thị Kim Xuyến về hành vi “giết người, cưới tài sản”, đưa Lê Mỹ Duyên vào trại giáo dưỡng do chưa đủ 14 tuổi.
Do phát hiện các cá nhân bị khởi tố, tạm giam trước đó bị oan sai nên cơ quan điều tra đã huỷ bỏ biện pháp tạm giam, đình chỉ điều tra bị can đối với 7 cá nhân không thực hiện hành vi phạm tội.
Viện KSND tỉnh Sóc Trăng sau đó đã phải bồi thường cho 7 người bị khởi tố, bắt giam oan số tiền gần 500 triệu đồng.

Đại diện Viện KSND tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn anh Trần Văn Đỡ, một trong bảy người bị bắt oan, nhận tiền bồi thường oan sai  - Ảnh: Báo Thanh Niên

Còng, treo nghi can lên cửa sổ để ép cung
Cả 7 người bị bắt oan cũng đã có đơn tố giác trong quá trình điều tra đã bị các cán bộ điều tra dùng nhục hình nên buộc phải khai nhận có tham gia đánh, đâm nạn nhân Lý Văn Dũng chết.
Cũng trong quá trình này, Công an tỉnh Sóc Trăng đã kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo và điều tra viên liên quan đến sai phạm trong quá trình giải quyết vụ án.
Cơ quan điều tra viện KSND tối cao sau đó đã xác định 7 anh, chị trên đã bị dùng nhục hình, buộc phải khai nhận hành vi “giết người”.
Cụ thể, anh Trần Văn Đở đã bị điều tra viên Triệu Tuấn Hưng dùng khoá số 8 treo cao 1 tay vào khung sắt cửa sổ, chỉ để hai đầu bàn chân chạm sàn nhà, sau đó dùng tay đánh, dùng đầu gối thúc vào bụng ép buộc nạn nhân nhận tội.
Tương tự, các nạn nhân còn lại cũng bị hai điều tra viên đánh đập nhiều lần, dùng dùi cui cao su đánh nhằm ép buộc nhận tội giết người.
Cơ quan điều tra xác định để xảy ra vụ việc oan sai nghiêm trọng này còn do việc làm thiếu trách nhiệm của kiểm sát viên Phạm Văn Núi trong quá trình thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ được giao.
Trong vụ án này, kiểm sát viên Phạm Văn Núi được phân công thực hiện kiểm sát ngay từ giai đoạn khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nhưng đã không thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật dẫn đến việc oan sai.
Cụ thể, khi khám nghiệm tử thi không phát hiện thiếu sót trong quá trình khám nghiệm để yêu cầu cơ quan chuyên môn làm rõ thời gian nạn nhân chết;
Khi có đối tượng không nhận tội, đồng thời còn cung cấp chứng cứ ngoại phạm, kiểm sát viên cũng không trực tiếp gặp, hỏi để xác định nguyên nhân, lý do không nhận tội, không đề ra yêu cầu điều tra kịp thời để cơ quan điều tra xác định chức cứ ngoại phạm; không nghiên cứu ký hồ sơ nên không phát hiện.
Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị rà soát lại các vụ án ở Sóc Trăng
Theo báo Dân Trí đưa tin trước đó, liên quan đến các vụ oan sai ở Sóc Trăng, ngày 8/1, đoàn giám sát của Quốc hội đã đến Sóc Trăng giám sát tình hình oan sai trong áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại tại tỉnh này.
Báo cáo với đoàn giám sát, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết tính từ cuối năm 2011 đến tháng 9/2014 đã đình chỉ điều tra 40 vụ án với 52 bị can.
Báo cáo về thực trạng gây oan người vô tội trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, đặc biệt là vụ 7 thanh niên ở huyện Trần Đề, Công an tỉnh Sóc Trăng cho rằng nguyên nhân do “sơ suất, chủ quan, nóng vội”.
Ông Trần Khắc Tâm (Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng) cho rằng: “Nói nguyên nhân dẫn đến oan sai do chủ quan, nóng vội là chưa thuyết phục, phải chăng trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật của điều tra viên còn hạn chế?”.
Nói về vụ 7 thanh niên bị oan sai, ông Trần Khắc Tâm cho rằng, các điều tra viên điều tra vụ án này “đã xây dựng kịch bản, hướng dẫn người ta vô kịch bản để từ vô tội trở thành có tội”. Từ vụ án này, ông Tâm đề nghị đoàn giám sát “cho kiểm tra hết các vụ án khác mà có hai điều tra viên điều tra vụ 7 thanh niên vị oan tham gia xem họ có bị oan không”.
Ngoài ra ông Tâm cũng đề nghị ngoài trường hợp ông Phạm Văn Lé (đã được đình chỉ điều tra) ở thị xã Vĩnh Châu không có trong báo cáo, đề nghị Công an tỉnh Sóc Trăng rà soát lại “xem còn oan sai nào chưa thống kê không”.
Một Luật sư có mặt trong buổi làm việc với đoàn giám sát cũng chia sẻ: “Giới Luật sư chúng tôi rất buồn và thất vọng với hành vi của một số điều tra viên khi họ thiếu tôn trọng luật sư, thậm chí có điều tra viên trong vụ 7 thanh niên đã có văn bản đề nghị xử lý luật sư vì “khi luật sư tham gia vụ án, bị can khai không giống như đã khai với cán bộ điều tra. Một số bị can khi được minh oan trở về có kể với chúng tôi rằng cán bộ điều tra hỏi “lấy tiền đâu để thuê luật sư? Thuê luật sư cũng không giải quyết được gì cả”.
Tại buổi làm việc, cán bộ đoàn giám sát cũng hỏi vị đại diện cơ quan điều tra là luật sư có tham gia vào quá trình điều tra vụ án hay không thì vị cán bộ này trả lời là “Có, nhưng ở giai đoạn sau”. Giá như luật sư được tham gia từ đầu thì chắc chắn sẽ tránh được oan sai.
vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn: Truy tố kẻ gây bi kịch
Kim Thành (Tổng hợp)

Tin nổi bật