Những loại rau, củ người tiểu đường không nên ăn
Bài viết trên webite Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Vũ Thanh Tuấn cho biết, dưới đây là những loại rau người tiểu đường không nên ăn.
Khoai tây
Khoai tây mặc dù rất tốt cho sức khỏe nhưng loại thực vật này có vị béo và rất giàu tinh bột. Dù được chế biến ở bất kỳ hình thức nào thì bệnh nhân đái tháo đường cũng không nên lạm dụng thực phẩm này trong khẩu phần ăn hàng ngày để tránh nguy cơ tăng đường huyết đột ngột.
Khoai lang
Cũng tương tự như khoai tây, mặc dù là món ăn khoái khẩu của nhiều gia đình giúp tăng cường trí nhớ và hỗ trợ tiêu hóa rất tốt nhưng hàm lượng glucose trong khoai lang lại khá cao, không hề thích hợp cho người tiểu đường. Do đó khoai lang cũng được xếp vào danh sách những loại rau củ người tiểu đường không nên ăn.
Khoai từ, khoai mỡ
Đây là những loại củ mọc dưới đất chứa rất nhiều tinh bột, làm tăng lượng đường trong máu nên người bị tiểu đường tốt nhất nên hạn chế tối đa.
Củ dền
Loại củ này chứa rất nhiều nước nhưng song song với đó thì hàm lượng đường của củ dền cũng rất cao.
Bắp ngô
Ngô có vị ngọt và giàu tinh bột, thường được ưa chuộng trong các bữa ăn vặt, bữa ăn xế. Tuy nhiên đối với những người mắc bệnh tiểu đường thì tốt nhất nên hạn chế tối đa món ăn này vì sẽ dễ khiến chỉ số đường huyết tăng không kiểm soát.
Người bị tiểu đường nên ăn gì?
Đậu
Hầu hết các loại đậu đều giàu chất xơ, carbohydrate và protein phức tạp, đồng thời là nguồn cung cấp magie, kali dồi dào. Một báo cáo đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ chỉ ra rằng bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có thể ăn đậu để hạ đường huyết.
Ngoài đậu tươi và các sản phẩm từ đậu nành, bệnh nhân tiểu đường cũng có thể ăn đậu đóng hộp nhưng phải đổ nước trong lon để loại bỏ lượng natri dư thừa.
Rau củ không chứa tinh bột
Rau không chứa tinh bột bao gồm: rau có lá màu xanh đậm, rau ăn lá, bí đao, cà tím, bắp cải... Những loại rau này chỉ chứa một lượng nhỏ carbohydrate nhưng có rất nhiều chất xơ, giúp giảm cơn đói và bổ sung nhiều loại vitamin, khoáng chất, các hợp chất trong thực vật. Chúng giúp kiểm soát cân nặng, ổn định lượng đường trong máu và an toàn cho người bệnh tiểu đường.
Trái cây họ cam quýt
Cam, bưởi, chanh... là nguồn cung cấp chất xơ tốt. Để tăng lượng chất xơ, bạn nên tiêu thụ cả quả thay vì chỉ uống nước ép. Ngoài ra, trái cây họ cam quýt có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường một cách hiệu quả.
Quả mọng
Các loại quả mọng như dâu tây, việt quất là nguồn cung cấp đường tự nhiên tuyệt vời. Ăn một lượng nhỏ quả mọng mỗi ngày có thể làm tăng lượng chất xơ nạp vào cơ thể. Bạn có thể thêm nhiều loại quả mọng vào sữa chua hoặc sinh tố để tạo ra món tráng miệng thơm ngon nhưng cần kiểm soát lượng đường nạp vào hàng ngày.
Cà chua
Cà chua có thể được ăn sống, dùng làm gia vị, nấu trong các món ăn hoặc làm nước xốt. Nhiều phương pháp chế biến khác nhau có thể cho phép bạn hấp thụ vitamin A, C.
Cá béo
Cá hồi và các loại cá khác giàu axit béo Omega-3 có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và giàu selen giúp tóc, da, móng khỏe mạnh. Ngoài ra, cá sống ở vùng nước lạnh còn giàu vitamin D. Cá không chứa carbohydrate nên có thể tránh được sự biến động lớn về lượng đường trong máu, nhưng bạn cũng cần tránh tiêu thụ quá nhiều cá béo.
Ngũ cốc nguyên hạt
Chúng chứa chất xơ dồi dào và không cung cấp quá nhiều carbohydrate nên rất thích hợp cho bệnh nhân tiểu đường. Một số thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt chứa các chất dinh dưỡng có giá trị cao như magie, crom, kali và axit folic, giúp duy trì cân bằng dinh dưỡng và tăng cường khả năng miễn dịch.
Các loại hạt
Các loại hạt như quả óc chó, hạt lanh cũng rất giàu axit béo Omega-3, magie và chất xơ. Bạn có thể dùng các loại hạt như một bữa ăn nhẹ. Một muỗng canh là lượng vừa đủ để ăn mỗi ngày, giúp bạn thỏa mãn cơn đói và không khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.
Sữa gầy, sữa ít béo
Các sản phẩm từ sữa rất giàu canxi, tốt cho sức khỏe răng và giúp đảm bảo mật độ xương. Tuy nhiên, nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường, hãy chọn sữa gầy và sữa chua để tránh tiêu thụ quá nhiều carbohydrate.
Thùy Dung (T/h)